Thuốc nhỏ mắt tăng giá, khan hàng
Gần 2 tháng vừa qua, dịch đau mắt đỏ đã bùng phát và ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng,…
Trước diễn biến này, nhiều người dân đã tự ý mua thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ. Với tâm lý lo sợ, không ít người đã tìm mua nhằm dự trữ phòng ngừa. Điều này khiến các loại thuốc nhỏ mắt ngày càng khan hiếm, cháy hàng và có dấu hiệu tăng giá.
Theo khảo sát của PV tại nhiều nhà thuốc tây trên địa bàn TP Hà Nội, trong hơn 1 tháng vừa qua thuốc điều trị đau mắt đỏ được bán ra với số lượng lớn do nhu cầu của người dân ngày càng cao. Một số nhà thuốc không đủ hàng để bán cho khách.
Nhân viên tại nhà thuốc Tuấn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, các loại thuốc nhỏ mắt phổ biến như Tobrex, Tobrin… tại cơ sở này đã hết từ 2 ngày trước. Hiện tại, các loại thuốc nhỏ mắt ít phổ biến hơn vẫn còn hàng như không nhiều. Ngoài ra, các loại thuốc trị bệnh này cũng đã hết hàng.
Trước nhu cầu cao của người dân, một số nhà thuốc đã tăng giá bán các sản phẩm thuốc nhỏ mắt. Với các loại thuốc nhỏ mắt phổ biến, giá thành được tăng thêm 10.000 đồng – 20.000 đồng/sản phẩm.
Cụ thể, thuốc nhỏ mắt Tobrex tăng từ 55.000 đồng/lọ lên 65.000 đồng – 70.000 đồng/lọ, thuốc Tobrin tăng từ 45.000 đồng/lọ lên 60.000 đồng/lọ, thuốc Oflovid tăng từ 60.000 đồng/lọ lên 80.000 đồng/lọ.
Ngoài ra, các mặt hàng điều trị đau mắt đỏ cũng được nhiều người tìm mua như dung dịch nước muối sinh lí natri clorid 0,9%, thuốc dưỡng mắt laci-eye,…
“Khi dịch bùng phát, mức tiêu thụ các mặt hàng hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ tăng gấp đôi, 3 lần so với trước đây. Giá đầu vào tăng nên chúng tôi cũng tăng giá bán, thậm chí nhiều người còn ôm hàng để đẩy giá bán trên các trang mạng khiến những mặt hàng này càng khan hiếm hơn” – nhân viên tại một nhà thuốc tại Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Lý giải về tình trạng này, Ths. Ds. Trần Hải Đông – Trưởng khoa Dược – Bệnh viện Mắt Thiên Thanh cho biết nguyên nhân thiếu thuốc năm nay là do thiếu nguyên liệu sản xuất trên toàn thế giới mà chủ yếu là kháng sinh Ofloxacin. Tuy nhiên, trong nước lại tràn lan các lô sản xuất mới không rõ nguồn gốc khiến thị trường thuốc nhỏ mắt bị xáo trộn bởi hàng giả, hàng nhập lậu.
Lưu ý khi điều trị đau mắt đỏ
Theo Ths. Ds. Trần Hải Đông, không ít người mắc sai lầm trong việc điều trị bệnh đau mắt đỏ khiến các biến chứng của bệnh ngày càng nặng hơn. Trong đó, việc tự ý điều trị không đúng cách và uống kháng sinh bừa bãi có khả năng tiến triển thành viêm giác mạc khiến thị lực suy giảm, thậm chí gây mù loà.
Về việc uống kháng sinh để giảm các triệu chứng khó chịu khi bị đau mắt đỏ, Ths. Ds. Trần Hải Đông cho rằng, đối với các bệnh về mắt, thuốc kháng sinh dạng uống thường ít đáp ứng vì khó thấm thuốc qua được hàng rào máu – mắt nên việc uống kháng sinh không phải sự lựa chọn tốt nhất khi mắc bệnh.
Ngoài ra, nhiều người có thói quen tự ý lấy đơn kê của người khác áp dụng cho bản thân. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân sẽ đáp ứng điều trị với các loại thuốc khác nhau, có người hợp loại này nhưng lại kháng loại kia, nên việc theo dõi phải hết sức cẩn thận bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt.
Khi mắt hết viêm đỏ, nhiều người thường chủ quan không chăm sóc mắt. Tuy nhiên, dù các triệu chứng đã thuyên giảm nhưng không có nghĩa là kết mạc, giác mạc đã lành.
Việc tiếp tục tra thuốc nhỏ mắt sau khoảng 1-2 tháng là cần thiết để ngăn cho mắt không bị khô, hạn chế bị tổn thương nếu gặp phải yếu tố bất lợi như dị vật, gió, dụi mắt… dẫn đến tái phát trở lại.
Các loại Gel, Mỡ mắt như Hylo Night, Hydramed Night, Farvis Gel, Eyegel Plus… rất cần thiết cho quá trình làm dịu và phục hồi tổn thương nên cần kết hợp với loại dạng lỏng tra ban ngày để tăng tốc độ hồi phục kết, giác mạc.
Bài và ảnh: Nguyễn Linh