Đi dọc bao đồn điền trải dài, tôi tìm đường đến được một cơ sở sản xuất cà phê chồn khá quy mô và rộng rãi. Bước vào trang trại, khứu giác tôi tức khắc bị lôi cuốn bởi hương thơm nồng nàn phảng phất, kích thích sự tò mò, dễ dàng ngửi thấy mùi cà phê tỏa ngát.
Tôi được trò chuyện, lắng nghe một người có thâm niên trong nghề tận tình chia sẻ, giải đáp thắc mắc về quá trình sản xuất ra loại cà phê chồn hết sức công phu. Từ việc thu hái, chọn lựa kỹ lưỡng những hạt cà phê chất lượng; sau đó cho chồn ăn, nuôi dưỡng tự nhiên, chăm sóc trong điều kiện sinh trưởng tốt cho đến việc xử lý phân của chúng, thu thập, tiến hành làm sạch, chế biến và sấy khô. Mỗi giai đoạn đều phải tiến hành tỉ mẩn, an toàn và khoa học để bảo đảm chất lượng cho sản phẩm cuối cùng.
Điều khiến tôi ngạc nhiên chính là các hạt cà phê khi được chồn ăn sẽ trải qua lên men tự nhiên. Dạ dày tiêu hóa của loài động vật này chứa các enzym tác động và làm biến đổi hạt cà phê (mềm hơn và mất đi một phần đắng), tạo nên một phiên bản cà phê rất được ưa chuộng với mùi vị tinh tế nổi bật, không kém phần đặc trưng riêng biệt và khác lạ.
Được mời uống thử, từng giọt cà phê tinh túy khơi dậy tinh thần tỉnh táo, kêu gọi sự sảng khoái tâm hồn. Tôi thích thú thưởng thức, cảm nhận vị ngọt ngào hòa quyện chút chua lẫn đắng nhẹ nhàng, hậu vị êm dịu thấm lâu.
Không ngoa khi nói cà phê chồn quả thật xứng danh là biểu tượng trong nền văn hóa cà phê Việt.
(Bài dự thi cuộc thi “Cảm tưởng về cà phê – trà Việt” thuộc chương trình “Tôn vinh cà phê – trà Việt” lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức).