“Gốm Chu Đậu- tinh hoa văn hóa Việt Nam”- Đây là 9 chữ vàng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ưu ái dành tặng gốm Chu Đậu. Những lời này không chỉ thể hiện sự trân trọng đối với di sản gốm Chu Đậu mà còn khẳng định vị thế của nó trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
Ngược dòng thời gian, gốm Chu Đậu đã có lịch sử phát triển lâu đời từ thế kỷ XV tại Chu Đậu – một xã nhỏ thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương. Xã Chu Đậu nằm liền kề với tả ngạn sông Thái Bình là nơi gốm Chu Đậu được khai sinh và phát triển rực rỡ trong suốt nhiều thế kỷ. Mỗi sản phẩm gốm đều mang trong mình những dấu ấn đặc trưng của một nền văn hóa lâu đời. Từ những chiếc bình, đĩa, bát cho đến những bức tượng trang trí, tất cả đều thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ và óc sáng tạo của người thợ gốm. Thổi hồn vào gốm bằng những hoa văn tinh xảo, những họa tiết mang đậm dấu ấn của văn hóa dân gian Việt Nam tạo nên sức hút đặc biệt cho gốm Chu Đậu.
Bên cạnh sự trau chuốt tỉ mỉ về hình thức, gốm Chu Đậu còn nổi bật với kỹ thuật chế tác độc đáo. Đất sét được chọn lọc kỹ càng, sau đó qua bàn tay tài hoa của người thợ gốm, đất sét được nhào nặn, tạo hình rồi đem nung ở nhiệt độ cao. Lửa trong lò nung, qua nhiều giờ đốt cháy, không chỉ làm cho đất trở nên cứng chắc mà còn mang lại cho sản phẩm gốm một vẻ đẹp mộc mạc, ấm áp gần gũi với nhiều hoài niệm. Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ mà còn cần kỹ thuật và kinh nghiệm để đảm bảo vẻ hoàn mỹ của sản phẩm, từ đó tạo nên sự khác biệt của gốm Chu Đậu so với các dòng gốm khác.
Không chỉ là sản phẩm thủ công, gốm Chu Đậu còn chứa đựng trong nó những giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc. Những họa tiết trên gốm thường mang ý nghĩa cầu may, hạnh phúc, bình an. Hoa sen, chim hạc, rồng phượng là những hình ảnh phổ biến, biểu tượng cho sự thanh cao, trường tồn và thịnh vượng. Chính sự kết hợp giữa nghệ thuật và tâm linh đã làm cho gốm Chu Đậu không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn là vật phẩm quý giá tô điểm thêm lên đời sống tinh thần của người Việt.
Ngày nay, gốm Chu Đậu không chỉ được trân trọng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, mang theo thông điệp văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Những sản phẩm gốm Chu Đậu được trưng bày tại 46 viện bảo tàng nổi tiếng ở 32 quốc gia trên toàn thế giới và được giới sưu tập nghệ thuật đánh giá cao. Qua đó, gốm Chu Đậu đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, mang dấu ấn của văn hóa nghệ thuật Việt lên bản đồ thế giới.
Làng nghề gốm Chu Đậu ngày nay vẫn tiếp tục phát triển, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống. Các nghệ nhân gốm, bằng niềm đam mê và lòng yêu nghề, vẫn ngày đêm miệt mài sáng tạo, giữ gìn và nâng cao chất lượng của từng sản phẩm. Sự gắn bó giữa truyền thống và hiện đại đã giúp gốm Chu Đậu tiếp tục tỏa sáng, giữ vững vị thế của mình trong lòng người yêu nghệ thuật.
Di sản gốm Chu Đậu, một trong những tinh hoa văn hóa của Việt Nam, là minh chứng sống động cho sự kết tinh giữa đất và lửa trong chiếc nôi văn hoá, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Trải qua nhiều thế kỷ, gốm Chu Đậu vẫn giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ và giá trị quý báu, trở thành niềm tự hào không chỉ của làng nghề mà còn của cả dân tộc. Mỗi sản phẩm gốm Chu Đậu vừa là vật dụng hàng ngày, vừa là một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng trong đó tinh thần và tài hoa của người thợ gốm.
Hoàng Anh