Các nhà khoa học xuất sắc khi về ĐH Quốc gia TP HCM nhận lương 20-35 triệu đồng/tháng, cùng nhiều ưu đãi như giao đề tài 0,2-1 tỷ, hỗ trợ một lần 60-350 triệu đồng.
Sáng 28/2, Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức tọa đàm “Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành”.
TS Lê Thị Anh Trâm, Trưởng ban Tổ chức cán bộ, cho biết trong đợt đầu năm 2024, đại học này muốn tuyển 65 nhà khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên, từng học tập nghiên cứu ở nước ngoài, có khả năng giảng dạy, nghiên cứu độc lập theo đề án VNU350.
Các ứng viên được chia thành hai nhóm: Nhà khoa học trẻ và nhà khoa học đầu ngành.
Trong đó, nhóm một cần đạt ít nhất một trong bốn tiêu chí: có bài công bố trên các tạp chí, hội nghị khoa học uy tín; có bằng phát minh, sáng chế; có sản phẩm khoa học, công nghệ đã được chuyển giao; có hướng nghiên cứu mới, triển vọng. Trong hai năm đầu, họ được giao một đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200 triệu đồng). Năm thứ ba, nhóm này sẽ nhận đề tài loại B với kinh phí lên tới một tỷ đồng; được hỗ trợ đến 10 tỷ để đầu tư phòng thí nghiệm vào năm thứ tư. Đến năm thứ năm, trường hỗ trợ họ làm thủ tục đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư.
Nhóm 2 (nhà khoa học đầu ngành) phải đủ 5 tiêu chí: đứng đầu nhóm nghiên cứu hoặc trưởng phòng thí nghiệm; chủ trì đề tài, dự án khoa học – công nghệ; có công bố trên các tạp chí khoa học uy tín hoặc sở hữu bằng độc quyền phát minh, sáng chế; có kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh; có quan hệ, hợp tác trong nước và quốc tế.
Đại học Quốc gia TP HCM đảm bảo nhóm này được giao đề tài nghiên cứu khoa học loại B với kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Các năm sau, họ được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm tới 30 tỷ đồng và thành lập nhóm nghiên cứu mạnh.
TS Trâm cho biết Đại học Quốc gia TP HCM đang chủ trì nhiều chương trình khoa học công nghệ nên các nhà khoa học có thể yên tâm về cam kết này.
Ngoài ra, họ nhận lương, phúc lợi riêng, theo nơi công tác. Hiện nay, một tiến sĩ nhận lương theo ngạch bậc là 5,4 triệu đồng, kèm lương theo vị trí việc làm khoảng 15-30 triệu đồng một tháng.
Một số đơn vị thành viên còn có chính sách thu hút một lần như Đại học Kinh tế – Luật chi 350 triệu đồng cho ứng viên giáo sư, 250 triệu đồng với phó giáo sư và 150 đồng với tiến sĩ. Với trường Đại học An Giang, mức này là 60 triệu đồng.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng có ba nhân tố quan trọng để thu hút các nhà khoa học xuất sắc tới làm việc. Đầu tiên là không gian tự chủ, sáng tạo hay nói cách khác là sự trao quyền. Thứ hai, là không gian đóng góp, cống hiến và cuối cùng là cơ hội phát triển và thăng tiến. Do đó, các chính sách mà đại học này nêu ở trên khá thực tế, hợp lý.
“Tôi trăn trở rất nhiều khi lâu nay chúng ta có nhiều chính sách khác nhau nhưng không thành công và nhận ra rằng phải có chính sách thực tế, nếu lý tưởng quá thì khó thực hiện”, ông Quân nói.
Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM dẫn câu chuyện của chính mình khi về nước công tác năm 2007, mức lương chỉ 3-4 triệu đồng một tháng, chưa có nhà, phải lo cho gia đình và vô vàn khó khăn khác. Thời điểm đó, nhận được đề tài nghiên cứu với kinh phí 60 triệu đồng là điều rất quý giá.
PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, cho biết chế độ tiền lương, thu nhập của trường dựa trên sự đóng góp của giảng viên. Thu nhập trung bình của giáo sư là 60 triệu mỗi tháng, phó giáo sư khoảng 50 triệu đồng, tiến sĩ trẻ mới về trường khoảng 25 triệu đồng.
Tại trường Đại học Công nghệ Thông tin, thu nhập của tiến sĩ, giáo sư khoảng 35-65 triệu một tháng, tùy vị trí. Còn tại Đại học Kinh tế – Luật, mức này là 28-51 triệu.
Đây là mức cao so với lương trung bình của giảng viên cả nước. Một báo cáo cuối năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết 60% giảng viên đại học chỉ nhận lương 8,3-12,5 triệu đồng một tháng.
Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế – Luật, ngoài tiền lương, trường xác định tạo không gian phát triển, sáng tạo, để nhà khoa học thấy những công sức, năng lực của họ được trân trọng. Ông tin rằng khi kết hợp chính sách chung của Đại học Quốc gia TP HCM và các đơn vị thành viên, các nhà khoa học sẽ có chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc tốt.
Hai đại học quốc gia Hà Nội và TP HCM là cơ sở đào tạo trọng điểm của cả nước. Trong đó, Đại học Quốc gia TP HCM muốn trong top 100 châu Á, còn Đại học Quốc gia Hà Nội vào top 500 đại học hàng đầu thế giới, vào năm 2030.
Để làm được điều này, việc tăng số lượng công bố quốc tế rất quan trọng do đây là tiêu chí chiếm trọng số cao trong các bảng xếp hạng. Hiện, hai đại học đều trong top 800-1.000.
Cuối năm ngoái, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng công bố chiến lược thu hút nhà khoa học xuất sắc, đầu tư cho mỗi người tối đa 3 tỷ đồng để nghiên cứu trong ba năm.
Lệ Nguyễn