(CLO) Theo báo cáo của HoREA, đến năm 2030, tức là hơn 5 năm nữa, TP HCM có thể phát triển được khoảng 70.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, từ năm 2021 tới nay, toàn thành phố có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang triển khai thi công với tổng số căn nhà gần 6.000 căn.
Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, kết quả nêu trên khiếm tốn ra đặt ra nhiều thách thức để thành phố thực hiện.
Trên thực tế, TP HCM được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu đến năm 2030 có 69.700 – 93.000 căn hộ nhà ở xã hội. Như vậy, chỉ còn hơn 5 năm nữa, TP HCM phải thực hiện tối thiểu hơn 60.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Theo ông Châu, vướng mắc lớn nhất đó là thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở, ngành, quận, huyện nơi có dự án nhà ở xã hội.
Cụ thể, vào ngày 4/12, Sở Xây dựng TP HCM đã chủ trì làm việc với 14 doanh nghiệp có quỹ đất 20% để phục vụ Hội nghị xúc tiến đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, một số Sở, ngành chỉ cử Phó Trưởng phòng tham dự họp, thậm chí lại xin về sớm.
Bên cạnh đó, một trong những vướng mắc lớn đó là nguồn vốn ưu đãi, ưu đãi tín dụng đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Ông Châu nói, bất cập rất lớn là trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đó là việc các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lại không được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội.
Bởi, tại Nghị định 100 quy định: Trong giai đoạn đến năm 2030, Ngân hàng chính sách xã hội chưa thực hiện cho vay đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, cá nhân xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để cho thuê.
“Quy định này đã vô hiệu hóa chính sách ưu đãi tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội”, ông Châu nói.
Như vậy, hiện tại chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ còn được vay tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.
Do vậy, ông Châu hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét để có thể bãi bỏ một số quy định tại Nghị định số 100 để chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội.
Ngoài ra, ông Châu đề nghị nghị UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, khẩn trương tháo gỡ các “vướng mắc pháp lý” đề nghị xây dựng quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội “đơn giản, rút gọn”, để các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xét có thể sớm triển khai thực hiện dự án, như các trường hợp dự án nhà ở xã hội nêu trên đây.
Đồng thời, ông Châu đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép thí điểm thực hiện cơ chế giao Sở Xây dựng thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội” tương tự như dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Trước đó, vào ngày 6/12, UBND TP HCM đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP HCM đến năm 2030. Tại Hội nghị này, có 21 doanh nghiệp đăng ký thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất do doanh nghiệp tự tạo lập với khoảng 52.000 căn hộ.
Trong đó có 9 doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại địa chỉ quỹ đất cụ thể thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp với khoảng 40.000 căn hộ.
12 doanh nghiệp đăng ký, cam kết tìm quỹ đất trên địa bàn thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 12.000 căn hộ và tính gộp với 7 khu đất Thành phố mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 8.000 căn hộ cùng với 10.000 căn hộ nhà ở xã hội do Thành phố dự kiến đầu tư công.
Như vậy, TP HCM có thể phát triển được khoảng 70.000 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, đáp ứng được chỉ tiêu 69.700 căn hộ (chỉ tiêu “mức thấp”) và Thành phố quyết tâm phấn đấu để thực hiện mục tiêu phát triển 93.000 căn hộ nhà ở xã hội (chỉ tiêu “mức cao”) đến năm 2030.
Nguồn: https://www.congluan.vn/den-nam-2030-tp-hcm-co-khoang-70000-can-ho-nha-o-xa-hoi-post324688.html