Kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại các địa phương vẫn duy trì hoạt động sản xuất xuyên Tết.
Hoạt động tăng tốc để kịp đơn hàng đầu năm mới
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, người lao động tại các doanh nghiệp được nghỉ 9 ngày theo quy định. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp như: Lọc dầu, điện, xi măng, dệt may… vẫn rộn rã ngày đêm xuyên kỳ nghỉ Tết để đảm bảo đơn hàng trong quý I/2025.
Đơn cử tại địa phương như Bắc Giang, theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh, có 16 doanh nghiệp tại các KCN: Đình Trám, Quang Châu, Việt Hàn, Vân Trung (cùng thị xã Việt Yên); Hòa Phú (Hiệp Hòa) và Song Khê - Nội Hoàng (TP. Bắc Giang) với tổng số hơn 8 nghìn lao động đăng ký làm việc trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (tăng hơn 3 nghìn người so với dịp Tết Giáp Thìn). Thời gian làm việc từ ngày 26 đến hết ngày 31/1 (tức từ ngày 27 tháng Chạp đến hết mùng 3 Tết).
Nhiều dây chuyền sản xuất tại Công ty Samkwang Vina vẫn hoạt động bình thường (KCN Quang Châu- Bắc Giang). Ảnh: Võ Lâm |
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp có lượng lao động đi làm lớn như: Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu (KCN Quang Châu) với 4,5 nghìn công nhân; Công ty TNHH Hana Micron Vina (KCN Vân Trung) với 750 công nhân; Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu) với 500 công nhân…
Các doanh nghiệp có công nhân đi làm xuyên Tết Nguyên đán là do có nhiều đơn hàng phải thực hiện, bảo đảm tiến độ sản xuất và duy trì máy móc hoạt động thường xuyên.
Hay như tại Thanh Hoá, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dịp Tết năm nay có tới 645 lao động làm nhiệm vụ duy trì và giữ gìn cho nhà máy vận hành liên tục.
Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà máy đã chủ động rà soát, xử lý các vấn đề kỹ thuật, bảo đảm tất cả các hệ thống máy móc, thiết bị luôn trong tình trạng tin cậy nhất; đồng thời bố trí kế hoạch trực lãnh đạo, trực vận hành nhằm kiểm soát và xử lý tốt nhất các tình huống có thể phát sinh.
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trên địa bàn Ban quản lý có 24 doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh xuyên Tết, với số lượng 2.435 lao động, gồm: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn 645 người, Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 duy trì 179 người, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 183 người, Công ty Xi măng Nghi Sơn 325 người, Công ty CP Xi măng Đại Dương 115 người, Công ty TNHH Lionas Metals 146 người, Nhà máy Ô tô VEAM 36 người, Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông 20 người, Công ty CP sữa Việt Nam - Nhà máy sữa Lam Sơn 34 người, Nhà máy gạch men cao cấp Vicenza 66 người...
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may cho biết, đã nhận nhiều đơn hàng trong những tháng đầu năm 2025. Do đó, các doanh nghiệp, chuyên gia dự đoán, xuất khẩu dệt may sẽ có đà tăng trưởng tốt.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết, ngoài những tín hiệu khách quan từ thị trường, yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024 là tích cực hoạt động mở rộng thị trường. "Mới đây, đơn vị đã ký đơn hàng với một thị trường mới là châu Phi với 110.000 áo. Đồng thời, công ty cũng có nhiều đơn hàng quý I/2025 đã được chốt" - ông Phạm Quang Anh chia sẻ.
Để bảo đảm không bị đứt gẫy chuỗi cung ứng, duy trì các đơn hàng với đối tác, khách hàng, nhiều đơn vị, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tại một số địa phương vẫn duy hoạt động xuyên Tết. Với tinh thần quyết tâm nỗ lực sản xuất xuyên Tết đã đem đến khí cho các doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu năm.
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng công nghiệp hai con số
Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024. Theo đó, cần tập trung nhiều giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp tạo lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn.
Nhìn nhận về năm 2025, ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) dự báo, trong năm 2025, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt là khả năng trỗi dậy mạnh mẽ trở lại của xu hướng phi toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch và chiến tranh thương mại; cùng những căng thẳng địa chính trị mới. Trong nước, các ngành công nghiệp có nhiều cơ hội thị trường hơn từ việc đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài mới cùng những dự án lớn trong các lĩnh vực trọng điểm của quốc gia (đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao như bán dẫn, năng lượng tái tạo, đường sắt tốc độ cao…).
Để góp phần, bảo đảm thực hiện các mục tiêu của năm 2025, sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng của Chính phủ và Bộ Công Thương, thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm phát huy đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Trong những ngày đầu năm mới, những tín hiệu vui đã về khi một số đơn hàng sản xuất quay trở lại, hoạt động sản xuất vẫn rộn rã ngày đêm xuyên kỳ nghỉ Tết kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sẽ đón nhận một năm khởi sắc, rực rỡ.
Nghị quyết số 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 được ban hành vào ngày 8/1 cũng nêu rõ, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ giao mục tiêu cụ thể cho Bộ Công Thương trong một số ngành, lĩnh vực. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu đạt 9-10% trong năm 2025, Bộ Công Thương sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt là các ngành sản xuất chủ lực như dệt may, da giày, các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép… Đây sẽ là bước tạo đà để tiếp tục thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trở thành một trong những "trái ngọt" đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế cả nước. |
Nguồn: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-cong-nghiep-sang-den-xuyen-tet-371884.html
Bình luận (0)