Việc hỗ trợ máy móc thiết bị cho các đơn vị sản xuất gốm trên địa bàn tỉnh cho thấy sự quan tâm của nhà nước đối với ngành gốm đang gặp khó. Bên cạnh nâng cao năng suất lao động, thì máy móc còn giúp sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, tạo được niềm tin của khách hàng.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Long hỗ trợ thiết bị máy móc và thiết kế mẫu mã tại Công ty TNHH Mỹ nghệ Thanh Đức. |
Ngành sản xuất Gốm đất nung từ năm 1983 và phát triển mạnh trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2007. Sản phẩm “Gốm đỏ Vĩnh Long” có sắc đỏ đặc trưng, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Ngành sản xuất Gốm đỏ đã từng là một ngành mang lại giá trị kinh tế cao và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định. Năm 2008, ngành sản xuất Gốm đỏ đã gặp khó khăn về thị trường đầu ra, giá cả đầu vào, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường,… nên quy mô, giá trị và sản lượng giảm dần.
Để hỗ trợ ngành Gốm khôi phục, phát triển sản xuất, UBND tỉnh đã ban hành đề án về việc ban hành đề án nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh vĩnh long, giai đoạn 2021-2025.
Đề án xác định tiếp tục duy trì và phát triển ngành sản xuất Gốm góp phần bảo tồn các làng nghề Gốm, tạo việc làm, tăng thu nhập người dân, đồng thời thực hiện mục tiêu tăng trưởng của ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm nâng cao nhận thức, năng lực của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế, giúp doanh nghiệp chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đề án sẽ tập trung nâng cao tay nghề, năng lực sản xuất, quản lý cho các cơ sở, doanh nghiệp Gốm thông qua 8 lớp đào tạo, tập huấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng; Hỗ trợ 12 cơ sở, doanh nghiệp Gốm ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất Gốm; Hỗ trợ 20 cơ sở, doanh nghiệp Gốm thuê tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm Gốm; Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp tham gia 8 cuộc hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh, kể cả thị trường nước ngoài; Hỗ trợ 10 doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử; hỗ trợ 24 cơ sở doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đoàn Thị Ngọc Diệp (Công ty TNHH Mỹ nghệ Thanh Đức) Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long, với chất lượng gốm được sản xuất ra ngày một nâng cao do áp dụng phương pháp sản xuất mới, việc thay đổi mẫu mã gốm sẽ rất quan trọng.
Mẫu mã gốm độc đáo và đẹp mắt sẽ thu hút khách hàng và người tiêu dùng. Đồng thời còn thể hiện giá trị nghệ thuật và sự sáng tạo bên trong sản phẩm. Bên cạnh đó, việc đa dạng mẫu mã sẽ giúp sản phẩm gốm cạnh tranh tốt hơn trên thị trường, tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng khác nhau hơn nữa.
Chính vì thế, việc triển khai đề án “Hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm gốm” cho Công ty TNHH Mỹ nghệ Thanh Đức là vô cùng thiết thực.
Theo bà Đoàn Thị Ngọc Diệp, trong thời gian qua, hiệp hội luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ các cấp ban ngành trong tỉnh, trong đó, đề án: “Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 – 2025” mang lại ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp các doanh nghiệp sản xuất gốm thay đổi công nghệ sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển lên tầm cao mới. Năm 2024, đơn hàng gốm tăng khoảng 20% so với năm 2023.
Tại Công ty TNHH Mỹ nghệ Thanh Đức, được hỗ trợ thiết bị máy móc và thiết kế mẫu mã. Gồm hỗ trợ máy trộn đất và máy xoay chậu cỡ lớn, về thiết kế mẫu mã là thiết kế dạng lu, bình, chậu mới.
“Thông qua hỗ trợ của Trung tâm khuyến công, Công ty TNHH Mỹ nghệ Thanh Đức được đầu tư trang thiết bị tiến bộ hơn, từ đó tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm”- bà Đoàn Thị Ngọc Diệp cho biết và nói thêm: “Trong thời gian vừa qua đề án hỗ trợ thiết bị máy móc và thiết kế cho các hội viên của hiệp hội gốm, đó là động lực, vinh dự cho các doanh nghiệp và là động lực lớn để thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thêm để cải tiến sản xuất. Trong thời gian tới, tôi cũng mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, để cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thêm, giúp cho phát triển doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”.
Được hỗ trợ đầu tư máy móc giúp giảm thiểu được công lao động trong quá trình sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được niềm tin của khách hàng. |
Bà Lư Thị Hồng Ly - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Long cho biết: Trong năm 2024 Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm khuyến công tiếp tục thực hiện đề án này. Hai nội dung hỗ trợ gồm: hỗ trợ máy móc thiết bị và thiết kế mẫu mã sản phẩm gốm.
Đối với nội dung mà hỗ trợ máy móc thiết bị thì chủ yếu là hỗ trợ mấy cái máy phục vụ cho cái khâu sản xuất gốm. Như máy xây kalip, máy bơm trấu tự động, máy bơm trấu kết hợp với cân tự động, máy máy trộn đất,…
Qua việc hỗ trợ máy móc thiết bị cho các đơn vị sản xuất gốm trên địa bàn tỉnh, đã cho thấy được sự quan tâm của nhà nước là hết sức cần thiết trong giai đoạn khó khăn.
Và qua việc các doanh nghiệp được hỗ trợ đầu tư máy móc cho thấy, ngoài việc giảm thiểu được công lao động trong quá trình sản xuất thì sản phẩm làm ra đạt chất lượng, tạo được niềm tin của khách hàng. Đặc biệt là sức sống của ngành gốm đã có bước khởi sắc.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Long- bà Lư Thị Hồng Ly, trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2025, ngoài tiếp tục triển khai thực hiện đề án nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh vĩnh long, giai đoạn 2021-2025, Trung tâm Khuyến công sẽ tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Sở Công thương là hỗ trợ các cái doanh nghiệp gốm tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại liên quan đến ngành gốm, định hướng mở lớp tập huấn chỉ riêng cho ngành gốm và liên quan đến cái việc xuất khẩu, Sở Công thương cũng có định hướng là sẽ phối hợp với Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch để vừa sản xuất, kết hợp du lịch.
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202502/khoi-sac-tu-ho-tro-cong-nghe-thay-doi-mau-ma-san-pham-gom-a1a0863/
Bình luận (0)