Đến Mỹ bàn chuyện Dải Gaza

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế06/02/2025

Kết quả chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là yếu tố quyết định tương lai của thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas và triển vọng chấm dứt xung đột ở Dải Gaza.


Đến Mỹ bàn chuyện Dải Gaza
Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, ngày 4/2. (Nguồn: News/Reuters)

Thời điểm quan trọng

Tại Washington, ông Netanyahu đã gặp các nhà lãnh đạo quân sự tại Lầu Năm Góc, họp với các nghị sĩ Quốc hội và trao đổi với đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff trước khi hội đàm với Tổng thống Donald Trump vào ngày 4/2.

Với chuyến thăm này, Thủ tướng Israel là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp song phương chính thức ông Donald Trump kể từ khi trở lại Nhà Trắng lần thứ hai vào ngày 20/1. Thực tế này cho thấy ưu tiên của Mỹ đối với đồng minh Israel cũng như quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo. Chuyến thăm có ý nghĩa lớn trong bối cảnh triển vọng kết thúc xung đột ở Dải Gaza và tương lai chính trị của bản thân ông Netanyahu đang đứng trước bước ngoặt mới.

Kể từ khi nổ ra vào tháng 10/2023, xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas tại Dải Gaza đã làm thiệt mạng hàng chục nghìn người, khiến hàng triệu người phải di dời lánh nạn. Nhờ vai trò trung gian của Mỹ, Ai Cập và Qatar, Israel và Hamas cuối cùng đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 19/1, được tiến hành theo ba giai đoạn.

Trong giai đoạn I (kéo dài 42 ngày), phía Israel rút quân khỏi Gaza, hai bên ngừng giao tranh và trao đổi các con tin/tù nhân (33 con tin Israel đổi lấy khoảng 2.000 tù nhân Palestine). Trong thời gian đó, các bên cần đàm phán việc tiến hành giai đoạn II trước ngày 3/2.

Giai đoạn II dự kiến tập trung trao trả nốt các con tin/tù nhân còn lại và tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột ở Gaza về lâu dài. Tuy nhiên, cho đến nay Israel và Hamas vẫn chưa bước vào đàm phán. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu diễn ra chỉ sau hai tuần triển khai giai đoạn I và vào thời điểm quá hạn chót để đàm phán giai đoạn II.

Trở lại nắm quyền từ đầu năm 2023, Thủ tướng Netanyahu đang chịu áp lực lớn từ những người phản đối thỏa thuận ngừng bắn trong chính phủ cực hữu của mình. Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben-Gvir đã từ chức để phản đối. Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich đe dọa lật đổ chính phủ nếu Israel không tiếp tục cuộc xung đột sau giai đoạn I để tiêu diệt Hamas, tái chiếm Dải Gaza.

Bản thân ông Netanyahu và các đảng khác trong liên minh cầm quyền đều không muốn kết thúc chiến tranh. Ông nhiều lần tuyên bố công khai muốn phá hủy năng lực quân sự và quản lý của Hamas, để ngỏ khả năng tái giao tranh sau giai đoạn I của thỏa thuận ngừng bắn nếu cần thiết.

Với những diễn biến đó, chuyến đi Washington lần này là phép thử đối với vị trí lãnh đạo Israel của ông Netanyahu và sự toàn vẹn của liên minh cầm quyền trong chính phủ đương nhiệm.

Thuyết phục đồng minh

Trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” đó, ông Netanyahu đến Washiongton với hai mục đích chính. Trước hết, đây là động thái rất sớm và chủ động của Israel nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đồng minh Mỹ - Israel sau khi Mỹ chuyển sang chính quyền mới.

Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Mỹ mặc dù vẫn viện trợ quân sự cho Israel nhưng đã chỉ trích hành vi của chính quyền Netanyahu, dẫn đến những rạn nứt nhất định trong quan hệ đồng minh, như việc chính quyền Biden cho tạm dừng một số chuyến hàng viện trợ quân sự sang Israel.

Chuyến thăm Washington lần này của ông Netanyahu cũng là lần đầu tiên ông đến Mỹ kể từ khi trở lại nắm quyền. Việc ông Netanyahu chủ động thăm Mỹ khi Nhà Trắng có chủ nhân mới cho thấy mong muốn khôi phục nhanh chóng quan hệ đồng minh Mỹ - Israel khăng khít của Tel Aviv.

Việc ông Netanyahu thúc đẩy quan hệ nồng ấm trở lại với phía Mỹ đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho một ý định quan trọng hơn: Thuyết phục Mỹ ủng hộ Israel tiếp tục cuộc xung đột và giành chiến thắng trước Hamas, giải cứu tất cả con tin của Israel – những mục tiêu ông đã nêu tại sân bay ở Tel Aviv trước khi khởi hành sang Mỹ.

Ý định đó được nhen nhóm nhờ một số điểm thuận lợi. Cá nhân ông Netanyahu có quan hệ tốt đẹp và phối hợp tương đối nhịp nhàng của Tổng thống Trump. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Mỹ đã có một số động thái có lợi cho Israel như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, thúc đẩy ký kết Hiệp định Abraham về việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số nước Arab. Chính quyền của ông Trump dự kiến bổ nhiệm một số nhân vật ủng hộ Israel.

Đến Mỹ bàn chuyện Dải Gaza
Người dân Palestine di tản trở về nhà ở phía Bắc Gaza, ngày 27/1, khoảng một tuần sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel có hiệu lực. (Nguồn: Reuters)

Trở ngại và triển vọng

Tuy nhiên, trở ngại dường như còn lớn hơn. Thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas đang được phần lớn người dân và các quan chức Mỹ ủng hộ. Bản thân ông Trump không muốn xung đột này kéo dài vì đó sẽ là gánh nặng cho Mỹ về chi phí viện trợ, đồng thời lại nhiều rủi ro do thế lực của Hamas tại Dải Gaza vẫn còn mạnh.

Hơn nữa, ông Trump cần tập trung nguồn lực của Mỹ cho các ưu tiên khác như chấm dứt xung đột Ukraine, cạnh tranh với Trung Quốc, vấn đề thâm hụt thương mại, người nhập cư trái phép… Ngoài ra, việc ông Netanyahu chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn với Hamas cũng có tới 8 thành viên nội các Israel phản đối.

Sau cuộc gặp với ông Netanyahu, Tổng thống Donald Trump đã khéo léo đưa ra lựa chọn chính sách vừa thể hiện lập trường muốn chấm dứt xung đột ở Gaza, vừa tránh làm mất lòng đồng minh. Theo đó, ông Trump đề xuất: "Mỹ tiếp quản Dải Gaza, tái định cư người Palestine ở các nước khác". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ không nêu chi tiết về cách thức ông sẽ di dời hơn 2 triệu người Palestine và kiểm soát Dải Gaza thế nào.

Đề xuất của ông Trump ngay lập tức vấp phải phản ứng từ nhiều bên. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố "Người dân chúng tôi sẽ kiên định và không rời khỏi quê hương của mình". Jordan, Ai Cập và Saudi Arabia cũng bác bỏ đề xuất của ông Trump, phản đối việc người Palestine phải rời khỏi lãnh thổ, dù là ngắn hay dài hạn. Tại Mỹ, một số nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng nhanh chóng lên án đề xuất của ông Trump.

Với những gì ông Trump tuyên bố với ông Netanyahu, giới quan sát cho rằng ông chủ Nhà Trắng có thể chỉ đang sử dụng chiến thuật đưa ra lập trường mạnh mẽ, thậm chí cực đoan, để dọn đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai, mà trước mắt là đàm phán giai đoạn II của thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.



Nguồn: https://baoquocte.vn/den-my-ban-chuyen-dai-gaza-phep-thu-cua-thu-tuong-netanyahu-va-yeu-to-quyet-dinh-tuong-lai-ngung-ban-israel-hamas-303350.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available