DeepSeek sẽ định hình lại cuộc chơi AI toàn cầu, Mỹ "nóng mặt", EU rơi vào "thế kẹt"

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế06/02/2025

Sự xuất hiện của DeepSeek cho thấy, quyền bá chủ của Mỹ trong lĩnh vực AI đã không còn được đảm bảo và với lực lượng nhân lực tài năng, một khoản đầu tư tài chính nhỏ hơn nhiều rõ ràng có thể đạt được kết quả tương tự.


DeepSeek - công ty khởi nghiệp về AI của Trung Quốc hoàn toàn vô danh cho đến thời điểm ra mắt vào cuối tháng 1/2025, khiến cả giới công nghệ toàn cầu rung chuyển và gây ấn tượng bởi mô hình chi phí thấp, công suất cao.

Thành công của DeepSeek được đánh giá có thể thiết lập lại hiện trạng địa chính trị AI giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Mô hình ngôn ngữ lớn R1 của DeepSeek đã tuyên bố vượt qua mô hình o1 nổi tiếng của OpenAI với khoản đầu tư nhỏ hơn rất nhiều và không được tiếp cận với các chip tiên tiến nhất do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Đáng chú ý, dù hạn chế về đầu tư tài chính và khả năng tiếp cận công nghệ nhưng R1 dường như lại cho thấy khả năng hoạt động với chi phí thấp hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh đến từ xứ cờ hoa.

DeepSeek sẽ định hình lại cuộc chơi AI toàn cầu, Mỹ 'nóng mặt', EU rơi vào 'thế kẹt'
Sự xuất hiện thành công của DeepSeek đang góp phần định hình lại cuộc chơi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng cũng đang dần bộc lộ nhiều hạn chế và thách thức. (Nguồn: Shutterstock)

Sự xuất hiện của DeepSeek cho thấy, quyền bá chủ của Mỹ trong lĩnh vực AI đã không còn được đảm bảo và với lực lượng nhân lực tài năng, một khoản đầu tư tài chính nhỏ hơn nhiều rõ ràng có thể đạt được kết quả tương tự. Đồng thời, điều này cũng cho thấy, kỳ vọng của Washington vào các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm kiềm chế ngành công nghệ của Bắc Kinh dường như không phát huy tác dụng.

Thách thức của DeepSeek

Mặc dù không thể phủ nhận những khía cạnh tích cực trong thành công của DeepSeek, nhưng mô hình này cũng tồn tại những nhược điểm.

Xét từ các khía cạnh kỹ thuật, DeepSeek khó có thể so sánh với các nền tảng AI khác của Mỹ vì vai trò chính của nó là tối ưu hóa các mô hình hiện có thay vì phát triển các mô hình mới. Việc tối ưu hóa mô hình rất quan trọng và được hoan nghênh, nhưng sẽ không thể loại bỏ nhu cầu tạo ra các LLM mới.

Nói cách khác, trong khi việc tối ưu hóa của DeepSeek có thể giảm đáng kể chi phí tính toán và mở ra cánh cửa cho các thiết kế hiệu quả hơn để thu hẹp khoảng cách hiệu suất giữa các mô hình nhỏ hơn và lớn hơn, về cơ bản nó không phá vỡ "luật mở rộng quy mô" (tức là các mô hình lớn hơn mang lại kết quả tốt hơn).

Các hệ thống AI mạnh nhất vẫn cần cơ sở hạ tầng tốn kém, điều này đưa cuộc đua trở lại với việc huy động nguồn tài chính khổng lồ.

Một vấn đề quan trọng khác cần xem xét là DeepSeek không hoàn toàn mở quyền truy cập vì một số thành phần nhất định, chẳng hạn như dữ liệu đào tạo, phương pháp tinh chỉnh và một số phần kiến ​​trúc của mô hình vẫn chưa được tiết lộ.

Ngoài ra, DeepSeek - giống như bất kỳ công ty AI nào của Trung Quốc, chắc chắn cần tuân thủ các luật và quy định an ninh quốc gia nghiêm ngặt của Bắc Kinh.

Tầm quan trọng của DeepSeek đối với Trung Quốc không chỉ là cung cấp khả năng kỹ thuật thay thế các nền tảng AI do Mỹ sản xuất mà còn là tín hiệu cho thế giới biết rằng, Bắc Kinh đang "rất quan tâm" đến cuộc đua AI.

Đây có thể là một thách thức đối với DeepSeek tùy thuộc vào diễn biến của tình hình. Một thách thức cấp bách hơn là bảo vệ dữ liệu và đặc biệt là Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU), như lệnh cấm DeepSeek của Italy hôm 30/1 vì lý do chuyển dữ liệu là một minh chứng. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về chủ quyền dữ liệu và khả năng tiếp cận của chính phủ, có thể hạn chế khả năng sử dụng DeepSeek trong khu vực EU.

Nếu như những lo ngại trên cần được xem xét nghiêm túc, thì rủi ro lớn hơn vẫn là yếu tố địa chính trị. Bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng DeepSeek là lời cảnh tỉnh (được một số phương tiện truyền thông ví như "khoảnh khắc Sputnik") đối với các công ty công nghệ Mỹ cho thấy cuộc đua AI giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới sẽ là tâm điểm trong cuộc cạnh tranh chiến lược ở nhiều thập kỷ tới.

Quan trọng hơn, cuộc cạnh tranh AI không chỉ liên quan đến mục đích thương mại mà còn liên quan đến các ứng dụng quân sự trong không gian mạng, vũ khí không người lái và nhiều lĩnh vực khác.

Với một công ty AI Trung Quốc có tham vọng vươn ra nước ngoài và đặc biệt là thị trường béo bở của Mỹ, những thách thức đang thực sự bắt đầu ngay từ bây giờ. Việc TikTok bị Washington "xóa sổ" và việc Tencent Holdings bị đưa vào danh sách đen gần đây báo hiệu DeepSeek sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội và toàn diện từ phía Mỹ. Kể cả việc công ty này lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc cũng không thể giúp ích gì.

Nhiều lãnh đạo các công ty, tập đoàn công nghệ tại Thung lũng Silicon dù ấn tượng với DeepSeek và hoan nghênh sự cạnh tranh nhưng sẽ sử dụng mô hình này để hỗ trợ nhiều hơn cho cho cơ sở hạ tầng AI của Mỹ cùng các chính sách để "ghìm chân" Trung Quốc. Chính quyền Washington hiện cũng đang điều tra xem DeepSeek có đang sở hữu chip Nvidia tiên tiến bằng cách lách luật hạn chế hay không.

Ngoài ra, các biện pháp tăng cường kiểm soát xuất khẩu liên quan đến AI và chấm dứt mọi hợp tác khoa học và công nghệ hiện tại với Trung Quốc sẽ có thể được Mỹ áp dụng trong thời gian tới.

EU đứng giữa "hai dòng nước"

EU cho đến nay vẫn là khu vực đi sau trong cuộc đua về AI, kể cả trước khi DeepSeek gây chấn động giới công nghệ. Khối này đã không thể tạo ra nền tảng AI của riêng mình dựa trên số tiền đầu tư khổng lồ được cho là cần thiết để phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).

EU cũng nên sớm nhận ra sự cạnh tranh công nghệ gay gắt hơn giữa Mỹ và Trung Quốc để giành quyền thống trị AI có thể sẽ gây ra hậu quả cho lục địa này.

Vấn đề cấp bách nhất là khả năng phân chia thành hai thế giới AI, bị chia cắt bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn của Washington, hợp tác khoa học giảm mạnh và quy định chặt chẽ hơn. Đây có thể là tin xấu đối với châu Âu vì có khả năng họ sẽ buộc phải lựa chọn giữa hai hệ sinh thái.

Rủi ro kiểm duyệt và chuyển giao dữ liệu của DeepSeek sẽ chỉ làm trầm trọng thêm và đẩy nhanh sự chia rẽ trong lĩnh vực AI toàn cầu. Một vấn đề khác là việc gia nhập hệ sinh thái AI của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump có thể không mang lại lợi ích cho EU trong các hợp tác khoa học với tư cách đồng minh sau khi ông chủ Nhà Trắng đe dọa sẽ áp thuế lên EU sau hai đồng minh lớn là Canada và Mexico.

Nhìn chung, sự xuất hiện của DeepSeek sẽ là tin tốt về mặt tùy chọn và hy vọng cho ngành công nghiệp AI của châu Âu nhưng cũng là tin xấu khi làm gia tăng sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

EU đang bị kẹt giữa một tảng đá lớn trong cuộc đua AI ngày càng chịu ảnh hưởng bởi yếu tố địa chính trị. Đó là khả năng chuyển giao công nghệ và hợp tác hạn chế hơn với Mỹ cũng như mối lo ngại ngày càng tăng về các vấn đề kiểm duyệt dữ liệu từ Trung Quốc.



Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available