Thiềng Liềng là ấp đảo nằm cách trung tâm xã Thạnh An, H.Cần Giờ (TP.HCM) khoảng 7 km, giao thông đi lại bằng đường thủy. Theo thống kê của địa phương, ấp Thiềng Liềng có khoảng 243 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề làm muối, đánh bắt thủy hải sản. Năm 2023, diện tích sản xuất muối tại ấp Thiềng Liềng là 390 ha với sản lượng đạt 17.000 tấn, giá muối tại ruộng bình quân 1.900/kg.
Cả ấp Thiềng Liềng chỉ có một đường độc đạo hình oval dài 4 km uốn quanh ruộng muối, sông, rạch và rừng ngập mặn. Thiềng Liềng chưa chịu nhiều tác động nên vẫn giữ cho mình sự mộc mạc, nét tự nhiên không phải miền biển nào cũng có. Ở đây, ngoài cánh rừng ngập mặn bao bọc xung quanh với hệ sinh thái vô cùng phong phú, còn có núi Giồng Chùa. Đây được xem là ngọn núi đá tự nhiên duy nhất của TP.HCM, và nếu xét rộng hơn thì có lẽ là ngọn núi… thấp nhất cả nước.
Sở hữu nét mộc mạc, bình yên giữa cánh đồng muối bạt ngàn, trắng xóa… cùng sự nồng hậu chất phác của người dân bản địa, đảo Thiềng Liềng đang có những tiềm năng du lịch độc đáo mà thiên nhiên ban tặng. Nhưng cái tên Thiềng Liềng mãi đến vài năm gần đây mới dần xuất hiện nhiều, hình thức du lịch cộng đồng trên đảo cũng bắt đầu đi vào bài bản với 20 thành viên, trong đó có 16 hộ gia đình tham gia với các nhóm sản phẩm dịch vụ như: trải nghiệm, ẩm thực, lưu trú, văn hóa nghệ thuật địa phương phục vụ du khách.
Cuối năm 2023, TP.HCM bắt đầu giai đoạn tăng tốc phát triển du lịch tại đây với điểm nhấn đặc sản “3 không”: Không khói bụi, không bến xe, không tệ nạn. Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ Thiềng Liềng, giới thiệu: Tour du lịch ở đây đã đi vào nề nếp, khi tàu đưa du khách vừa cập bến thì các hộ trong chuỗi cộng đồng đã đón tại cầu đò, mỗi khách nhận 1 nón lá và 1 xe đạp chụp hình lưu niệm tại cổng chào, sau đó di chuyển đến hộ Sáu Trúng để thưởng thức nước mát giải nhiệt với sâm sâm nước cốt dừa được trồng tại vườn nhà.
Tiếp đó, khách di chuyển đến hộ Út Hải khám phá không gian hoài niệm với những món đồ xưa cũ như nồi đồng cối đá và những vật dụng trong đời sống của nông dân 3 miền Bắc, Trung, Nam mà gia chủ đã cất công sưu tầm trong nhiều năm qua. Kế đến, du khách sẽ được thưởng thức món kem dừa nước và cà phê muối của hộ Tư Tuấn. Sau đó, khách di chuyển sang khu vực trò chơi của nhà chị Út Thảo hay điểm check-in của hộ chị Tám Em và đến hộ chị Hai Loan với món bánh dân gian, uống nước mát sirô của hộ Mười Giạ.
Khách đi đến đảo Thiềng Liềng không thể không đến viếng miếu bà Ngũ Hành, đây là nơi thờ cúng tâm linh duy nhất của bà con trên ấp đảo, trải nghiệm một ngày làm diêm dân trên cánh đồng muối trắng xóa. Chiều đến, du khách sẽ được thưởng thức ngón đờn kìm độc đáo của nghệ nhân Nguyễn Hồng Huỳnh, tha hồ check-in ở cung đường HiKing, khám phá hệ thống sông rạch chằng chịt và núi Giồng Chùa; thưởng thức những món hải sản do chính tay các hộ giữ rừng đánh bắt tại chính chốt giữ rừng. Sau cùng là ngâm chân thư giãn hộ Năm Tuyết sau một ngày rong chơi mệt mỏi với sản phẩm muối biển kết hợp thảo dược vừa đạt giải nhì khu vực miền Nam và giải khuyến khích toàn quốc trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề tài nguyên bản địa năm 2023.
Trên đảo cũng có nhiều homestay như Ba Huyền, Mười Giạ, homestay vườn trầu và nhà sàn với sức chứa từ 60 – 70 khách. Buổi trình diễn văn nghệ ban đêm cũng hết sức đặc biệt bởi dàn văn nghệ sĩ cũng chính là diêm dân, trong đó có bé Thùy Trang 12 tuổi vừa đạt giải Sen Hồng của TP.HCM; mới đây nhất anh Nguyễn Ngọc Thơ vừa đoạt Huy chương vàng trong Liên hoan tân cổ giao duyên các xã nông thôn mới cuối năm 2023.
Từ buổi ban đầu còn bỡ ngỡ, đến nay các hộ dân trên đảo đã bắt đầu làm du lịch chuyên nghiệp hơn, chăm chút cho những sản phẩm “cây nhà lá vườn” nhiều hơn. Theo thống kê của địa phương, từ khi điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng ra mắt vào đầu năm 2023 đến nay, đã có gần 3.000 khách du lịch đến trải nghiệm sản phẩm và mua về gần 2.000 túi muối thảo dược. Trung bình, cứ 10 khách sau khi trải nghiệm dùng thử muối thảo dược thì có hơn 5 khách mua về sử dụng và làm quà biếu cho người thân. Lợi nhuận mà sản phẩm này mang lại là hơn 30%. Sau 1 năm tổ chức và vận hành mô hình “Du lịch cộng đồng”, ấp đảo đã giải quyết việc làm cho 50 nhân khẩu, giúp cho 2 hộ gia đình thoát nghèo với thu nhập mỗi tháng từ 6 – 7 triệu đồng.