Tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, mặc dù nguồn vốn tín dụng đã có sự tăng trưởng tích cực nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ tín dụng phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 8.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang hoạt động, chiếm phần lớn trong tổng số DN trên địa bàn. Các DN này tập trung hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản, thương mại - dịch vụ.
Năm 2024, doanh số cấp tín dụng đối với các DNNVV ở Thái Nguyên đạt 41.246 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay đạt 20.500 tỷ đồng, tăng 2,09% so với cuối năm 2023.
Số DN còn dư nợ hiện có 1.544 đơn vị, với số vốn vay chiếm 17,63% trong tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các ngân hàng đối với khu vực DN này, đồng thời phản ánh nhu cầu vay vốn tín dụng của các DNNVV là rất lớn.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã giới thiệu các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi dành riêng cho DNNVV, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) triển khai chương trình "Vay vốn ưu đãi cho DNNVV" với lãi suất thấp hơn 1-2% so với thị trường, thời gian vay tối đa 7 năm.
Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) triển khai gói tín dụng "Đồng hành cùng DN nhỏ" với mức lãi suất ưu đãi từ 5-7%/năm, hỗ trợ vay lên đến 80% nhu cầu vốn của DN.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai chương trình "Tài trợ DNNVV phát triển bền vững" với hạn mức vay linh hoạt, lãi suất cạnh tranh, ưu tiên cho DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất xanh.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) triển khai gói "Tài trợ DN số" áp dụng cho các DNNVV trong lĩnh vực công nghệ và thương mại điện tử, với những ưu đãi đặc biệt về lãi suất và miễn giảm phí giao dịch…
Từ các gói tín dụng ưu đãi trên, nhiều DNNVV đã tận dụng hiệu quả nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất và phát triển thị trường. Công ty TNHH Nhựa Thắng Thao (TP. Sông Công) với khoản vay 2 tỷ đồng từ Agribank đã đầu tư vào dây chuyền sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ nhựa, giúp tăng sản lượng sản xuất 30% trong năm qua.
Được vay gói tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Agribank, HTX chè Thịnh An (ở thị trấn Sông Cầu, Đồng Hỷ) đã mở rộng diện tích trồng chè sạch, áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến. |
HTX Chè Thịnh An, nhờ gói tín dụng ưu đãi 5 tỷ đồng từ Agribank, Hợp tác xã đã mở rộng diện tích trồng chè sạch, áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến, tăng doanh thu 25% so với năm trước.
Nhà máy Thép Trường Sơn (TP. Sông Công) sử dụng khoản vay ngân hàng để đầu tư 35-40 tỷ đồng cải tạo dây chuyền và đổi mới công nghệ chuyên sản xuất hàng cơ khí chính xác giúp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Hay như các đơn vị, doanh nghiệp: Công ty CP Nam Việt, Công ty TNHH Ngôi Sao Hy Vọng, Cơ sở sản xuất đũa cọ Hoàng Linh… cũng đều tận dụng tốt nguồn vốn vay ngân hàng để nâng cao sản xuất, mở rộng thị trường, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động.
Từ thực tế có thể thấy, nhờ có những chính sách tín dụng phù hợp và sự chủ động của các DN, nhiều DNNVV trên địa bàn tỉnh đang có điều kiện thuận lợi để phát triển, mở rộng quy mô hoạt động, từ đó đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của địa phương. Tính đến cuối năm 2024, các DNNVV đóng góp khoảng 45% GRDP của tỉnh và tạo việc làm cho hơn 120.000 lao động. Bên cạnh đó, khu vực này cũng là một nguồn thu ngân sách đáng kể, đóng góp gần 30% tổng thu ngân sách tỉnh nhờ vào các khoản thuế DN, thuế thu nhập cá nhân và các khoản phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặc dù có những tín hiệu tích cực, nhưng việc tiếp cận tín dụng của DNNVV vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Ngôi Sao Hy Vọng (phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên), chia sẻ: Nhiều DN nhỏ và vừa chưa đạt được điều kiện vay vốn do thiếu tài sản đảm bảo hoặc lịch sử tín dụng chưa tốt. Mặc dù được hỗ trợ nhưng một số DN vẫn gặp khó khăn do lãi suất còn cao so với khả năng chịu đựng. Đặc biệt, về thủ tục hành chính, nhiều DN cho rằng quy trình vay vốn của các tổ chức tín dụng vẫn mất nhiều thời gian, yêu cầu nhiều giấy tờ...
Để tăng cường hỗ trợ tín dụng cho DNNVV, theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội DNNVV tỉnh, Chủ tịch Hội DN TP. Phổ Yên, Giám đốc Công ty TNHH Cường Đại, các tổ chức tín dụng cần xây dựng các cơ chế đảm bảo tín dụng linh hoạt hơn, giảm bớt yêu cầu về tài sản thế chấp. Về lãi suất cho vay, các ngân hàng cần đưa ra các chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất đối với DN đang gặp khó khăn. Các tổ chức tín dụng cũng cần rút ngắn thủ tục vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục, tăng cường việc ứng dụng công nghệ số trong quy trình xét duyệt tín dụng...
Với những chính sách hỗ trợ tích cực và giải pháp đồng bộ, tín dụng đối với DNNVV ở Thái Nguyên được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202502/tin-dung-doi-voidoanh-nghiep-nho-va-vuaday-manh-chinh-sach-ho-tro-fc61fb1/
Kommentar (0)