Những ngày đầu Xuân 2025, thong dong đi trên tuyến đường vành đai V nối từ TP. Phổ Yên sang huyện Phú Bình, rồi ngược tuyến cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn nối vào đường Hồ Chí Minh đoạn từ huyện Chợ Mới đến huyện nông thôn mới Định Hóa, tôi càng thấm thía câu “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay”. Đường mở tới đâu, đời sống của nhân dân được nâng cao tới đó...
Sở Công Thương phối hợp với Công ty Shopee hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử Shopee. Ảnh T.L |
Duy trì tăng trưởng trong gian khó
2025 được tỉnh xác định là năm “tăng tốc, bứt phá”, để tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ. Đồng thời cũng là giải pháp hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh là: Đến năm 2025, Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du miền núi Bắc bộ và vùng Thủ đô Hà Nội; đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao”.
Nhìn lại 4 năm qua cho thấy, nhờ triển khai đồng bộ, sáng tạo nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, nên mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng "bức tranh" tổng thể kinh tế - xã hội của Thái Nguyên vẫn tiếp tục khởi sắc. Đến nay, 14 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra đã đạt những kết quả tích cực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 6,65%/năm, cao hơn 1,43% so với bình quân chung cả nước; năm 2024 GRDP tăng trên 6,5%, tuy không đạt chỉ tiêu đề ra (mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 8%/năm) nhưng Thái Nguyên vẫn nằm trong top các tỉnh tăng trưởng trung bình khá của cả nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, nhấn mạnh: Nhìn vào bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh, tôi đánh giá cao sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, thu hút đầu tư FDI và hỗ trợ DN đều được tỉnh thực hiện tốt. Nhờ vậy, Thái Nguyên giữ vững là cực tăng trưởng của vùng.
Thi công Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Bắc Giang. Ảnh: T.L |
Tăng tốc, bứt phá
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh khóa XIV (tổ chức đầu tháng 12-2024), đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, cần có giải pháp đột phá theo tinh thần “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”.
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, Thái Nguyên quyết tâm làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Cụ thể, tỉnh đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Bắc Giang và đoạn đường vành đai V nối từ huyện Phú Bình đến huyện Tân Yên (Bắc Giang). 2 tuyến đường này hoàn thành trong quý I/2025 sẽ là cơ sở để tỉnh thu hút các “ông lớn” triển khai dự án đầu tư.
Để 1 đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông có thể tạo ra 3 đến 6 đồng tăng trưởng kinh tế, năm 2025, Thái Nguyên dự kiến dành tiếp khoảng hơn 1.300 tỷ đồng đầu tư công từ ngân sách nhà nước cho hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vận hành thử tuyến giao thông du lịch trà trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên cuối tháng 12-2024, chính thức từ 1/3/2025. Việc mở tuyến đường sắt này sẽ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trà Thái Nguyên, qua đó thúc đẩy khai thác các sản phẩm du lịch của tỉnh.
Đối với hạ tầng điện, Thái Nguyên tập trung giải phóng mặt bằng để hoàn thành 8 dự án điện trên với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng từ nguồn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU về chuyển đổi số, tỉnh phấn đấu thu hút đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng từ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để phát triển hạ tầng số, tập trung vào hạ tầng mạng băng rộng di động 5G và khởi công mới tối thiểu 1 dự án trung tâm dữ liệu để cung cấp dịch vụ dữ liệu cho cả khu vực. Đây là tiền đề để Thái Nguyên trở thành trung tâm dữ liệu của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Trong Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thái Nguyên có 12 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 4.245ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; 41 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 2.067ha.
Xác định KCN, CCN là hạ tầng quan trọng, là những “nắm đấm” nhằm tạo đột phát trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, năm 2025, UBND tỉnh đề ra mục tiêu quyết liệt chỉ đạo tập trung giải phóng mặt bằng để thu hút các dự án công nghệ cao vào các KCN, CCN.
Tại cuộc họp đầu năm 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhất trí chủ trương đầu tư Dự án khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên. Đây là dự án lớn, không chỉ góp phần tạo diện mạo mới, hiện đại cho TP. Thái Nguyên, mà còn có ý nghĩa, giá trị về kinh tế - xã hội; tạo điểm nhấn, là di tích, công trình văn hóa, du lịch, biểu tượng mang tầm thế kỷ của tỉnh và TP. Thái Nguyên.
Nhìn vào nền tảng đã có và những mục tiêu lớn được định hướng cụ thể bằng các đề án, dự án, kế hoạch, giải pháp trong năm 2025 - năm cuối của nhiệm kỳ cho thấy, cấp ủy, chính quyền tỉnh quyết tâm, nỗ lực rất cao để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Điều này không chỉ giúp tỉnh hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ mà lớn hơn là để đời sống vật chất, tinh thần của người dân Thái Nguyên ngày một cao.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202502/nam-moiban-chuyen-tang-truong-kinh-te-0590df8/
Kommentar (0)