Huynh Thuc Khang - ein Patriot, der sich für die „Stimme des Volkes“ einsetzte, um eine öffentliche Revolution zu starten

Việt NamViệt Nam06/02/2025


Sự nghiệp báo chí của cụ Huỳnh Thúc Kháng gắn liền với báo Tiếng Dân, ngọn cờ đầu của dòng báo chí yêu nước ở miền Trung và của cả nước. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong bối cảnh tự do ngôn luận bị bóp nghẹt, chí sĩ, nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đã can đảm chọn “làm cách mạng công khai” trên mặt trận báo chí. Cụ tuyên bố: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai”.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân.

Nhà báo tâm huyết và trách nhiệm

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, gốc nông dân tại vùng núi Quảng Nam, bao khó khăn gian khổ nhưng cụ vượt qua bằng nghị lực và tính chịu thương, chịu khó. Học hành đỗ đạt sớm, danh tiếng lẫy lừng nhưng cụ không ra làm quan mà nuôi chí canh tân đất nước.

Gần 20 năm xuất hiện trên diễn đàn báo chí, Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện là một nhà ngôn luận sắc sảo, một cây bút với tinh thần khảng khái, một nhà báo với tư tưởng chính trực, bất khuất trước những chính sách hà khắc của chế độ thực dân, phong cách viết và cách đưa tin “rất Huỳnh Thúc Kháng”.

Mỗi bài báo của Huỳnh Thúc Kháng đều thể hiện sự uyên thâm, sắc sảo, tinh đời, toát lên khí phách khảng khái, bất khuất trước khó khăn gian khổ và tấm lòng làm nghề báo vì lợi ích xã hội. Tên tuổi cụ Huỳnh Thúc Kháng được tôn vinh trong bước đường phát triển của báo chí Việt Nam.

Quan điểm báo chí của cụ Huỳnh là tham gia tích cực vào đời sống chính trị, xã hội và quan tâm mạnh mẽ đến đời sống nhân dân. Bút pháp của cụ đầy tính chiến đấu. Cụ là người ý thức rất rõ vai trò của báo chí “Trăm vạn quân không bằng một tờ báo” và luôn gắn sứ mệnh báo với vận mệnh dân tộc “Tiếng Dân là mối quan hệ với việc nước”.

Tuy tuổi đã cao nhưng cụ Huỳnh vẫn dốc sức đảm nhận vai trò Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Hồ Chí Minh, rồi quyền Chủ tịch nước. Vai trò nào, cụ cũng hoàn thành xuất sắc, với nhiều đóng góp to lớn, tạo nên một phong cách làm việc “rất Quảng Nam”, quyết đoán, nhanh lẹ, kiên quyết, không khoan nhượng, không lùi bước.

Ngòi bút là “vũ khí” sắc bén

Ngòi bút đã trở thành một vũ khí sắc bén trong việc truyền bá tư tưởng yêu nước và cách mạng thời kỳ thực dân Pháp xâm lược. Trong số đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng - một chí sĩ yêu nước, đã lập ra tờ báo Tiếng Dân (1927-1943); lấy báo chí làm phương tiện đấu tranh, xem đây là vũ khí lợi hại đại diện cho tiếng nói của quảng đại quần chúng, nhất là người lao động bị áp bức.

Những học viên đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (Ảnh tư liệu).
Những học viên đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (Ảnh tư liệu).

Cụ quan niệm sự nghiệp to lớn của một con người phải ở chỗ xem lời nói và việc làm trong đời mình có giúp ích được gì cho xã hội hay không, mình có làm được ba cái “bất hủ” (không tiêu diệt được) là lập đức, lập công và lập ngôn với đời hay không, còn như “chỉ giàu sang suông, không phải là sự nghiệp” (Tiếng Dân, ngày 22/2/1933).

Chính với quan niệm sống như vậy nên thời gian làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân, nếu chấp nhận đăng những bài quảng cáo sai sự thật hay in sổ sách giấy tờ công sở mà Tòa Khâm sứ Pháp ở Trung kỳ muốn giao cho (trong khi các nhà in khác phải qua đấu thầu) thì sẽ tăng thêm thu nhập nhưng Huỳnh Thúc Kháng vẫn lấy cớ “nhà in không đủ sức” để khước từ. Cụ khẳng quyết báo chí không phải nơi làm giàu. Sự chủ động về tài chính, không bị lệ thuộc vào nhà cầm quyền Pháp hay một tổ chức nào chính là nhân tố quan trọng giúp cụ Huỳnh lãnh đạo tờ báo đi đúng tiêu chí nói được tiếng nói của nhân dân, bênh vực quyền lợi của nhân dân…

Trong 16 năm hoạt động (1927-1943) với 1.766 số báo được xuất bản, Tiếng Dân là một trong những tờ báo tiêu biểu của báo chí yêu nước cách mạng. Tờ báo đã phản ánh lại một cách trung thực không khí, đời sống chính trị trong nửa đầu thế kỷ XX và đã thực sự có nhiều đóng góp cho lịch sử văn hóa miền Trung và cho báo chí Việt Nam.

Sau đó, trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, để phát huy vai trò “chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân” của các nhà báo và thúc đẩy sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cuối năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh mở trường dạy làm báo, coi đó là một trong những việc cấp bách phải làm. Theo đó, sáng 4/4/1949, tại xóm Bờ Rạ (nay thuộc xã Tân Thái), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đã diễn ra một sự kiện quan trọng, lễ khai giảng khóa học đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Ý nghĩa của việc lấy tên cụ Huỳnh Thúc Kháng để đặt cho tên trường dạy làm báo đầu tiên của cả nước để nhớ ơn và noi gương vị lão thành ái quốc, cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng; nêu tấm gương cho các học viên về một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả.

Chính cụ là một trong những người đi đầu ra tờ báo Tiếng Dân với câu nói nổi tiếng: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Đây là tính khẳng khái của cụ Huỳnh, tiêu biểu cho người Quảng Nam và rất đáng để thế hệ làm báo thời nay học hỏi.



Nguồn: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202502/huynh-thuc-khang-chi-si-noi-len-tieng-dan-de-lam-cach-mang-cong-khai-f930c94/

Kommentar (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available