Gemeinschaft schließt sich zusammen, um aquatische Ressourcen zu schützen

Việt NamViệt Nam05/02/2025


Mô hình Tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản với sự tham gia của cộng đồng cư dân địa phương đã đem lại hiệu quả, giúp giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường sinh thái, duy trì sinh kế bền vững cho ngư dân cũng như tăng sự hấp dẫn cho các dịch vụ du lịch ven biển tại thành phố.

Âu thuyền Thọ Quang đang được bảo đảm môi trường thông qua giám sát tàu cá xả thải ra vùng nước tự nhiên. Ảnh: TRẦN TRÚC
Âu thuyền Thọ Quang đang được bảo đảm môi trường thông qua giám sát tàu cá xả thải ra vùng nước tự nhiên. Ảnh: TRẦN TRÚC

Những năm gần đây, các hoạt động kinh tế biển phát triển mạnh cùng số lượng tàu cá của thành phố khai thác thủy sản tại vùng ven bờ khá lớn với 732 tàu cá (chưa kể thúng máy), trong khi diện tích vùng ven bờ lại tương đối nhỏ (khoảng 119km²) đã dẫn đến nguy cơ cao gây hại đến môi trường, nguồn lợi, các hệ sinh thái biển và làm giảm khả năng bổ sung nguồn lợi thủy sản cho vùng.

Từ thực trạng này, các tổ khai thác hải sản ven bờ kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được thành lập từ năm 2008. Đến năm 2022, căn cứ Luật Thủy sản 2017 cũng như định hướng của thành phố về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ngành nông nghiệp phối hợp UBND các quận rà soát, củng cố lại các tổ hiện có. Qua đó, đã thành lập 4 tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà với tổng số 105 thành viên tham gia. Trong đó phần lớn là các chủ phương tiện khai thác hải sản ven bờ và một số người dân địa phương có tâm huyết trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) gồm 29 thành viên, quản lý khu vực ven bờ và quanh bán đảo Sơn Trà. Ông Nguyễn Dinh, đại diện tổ chức cộng đồng phường Thọ Quang cho hay, ban điều hành của tổ chủ động xây dựng phương án hoạt động, phân công rõ nhiệm vụ cho các thành viên cũng như việc giám sát. Tổ thường xuyên tuần tra, quan sát để kịp thời báo thông tin khi phát hiện các hoạt động vi phạm pháp luật như tàu cá khai thác nghề cấm, hoạt động xả thải ra vùng nước tự nhiên, tàu cá chở khách du lịch…

Từ năm 2022 đến nay đã báo cáo 25 trường hợp vi phạm cho Đồn Biên phòng Sơn Trà, địa phương và Chi cục Thủy sản ngăn chặn, xử lý kịp thời. Trong khi đó, tổ chức cộng đồng phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) được giao đồng bản quản lý vùng biển ven bờ từ phường Thanh Khê Tây đến phường Xuân Hà. Ông Nguyễn Văn Thu, đại diện tổ cho biết: “Với 30 thành viên, từ năm 2022 đến nay tổ đã phát hiện và báo cáo kịp thời trên 80 nguồn tin, vụ việc để phối hợp cơ quan chức năng xử lý. Bên cạnh việc thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chúng tôi cũng chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng cách đến tận nhà ngư dân để trao đổi, nhắc nhở không sử dụng nghề cấm khai thác hải sản, các vùng được khai thác…”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, các tổ chức cộng đồng này đã thực hiện tốt nhiệm vụ trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thành viên các tổ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời tích cực tuyên truyền đến ngư dân và khách du lịch không làm hủy hoại san hô, hệ sinh thái biển; không sử dụng các nghề cấm như chất nổ, xung điện, lưới dây trong khai thác thủy sản. Các tổ phát hành hơn 2.500 tờ rơi tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Từ năm 2022-2024, qua công tác tuần tra tại các vùng biển được giao đồng quản lý, các tổ phát hiện và báo cáo kịp thời các vi phạm cho cơ quan chức năng biết trên 180 nguồn tin liên quan đến hoạt động khai thác hải sản, hoạt động du lịch, xả thải gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đồng thời giảm thiểu số vụ vi phạm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Văn Mỹ cho rằng, việc thành lập và phát triển các tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng ngư dân ven biển. Điều này đáp ứng yêu cầu thực tế của ngành khai thác hải sản, nguyện vọng của người dân; thể hiện sự quan tâm của thành phố đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Để duy trì bền vững và phát huy hiệu quả của các tổ chức cộng đồng không chỉ cần sự nỗ lực từ ngành thủy sản mà còn đòi hỏi sự tham gia tích cực của cộng đồng ngư dân, sự phối hợp từ các địa phương, ban, ngành và các đơn vị liên quan. Thời gian tới, ngành thủy sản tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị hỗ trợ những tổ chức cộng đồng này nâng cao hiệu quả hoạt động như cung cấp trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ nguồn lợi; tăng cường phối hợp trong quản lý tàu cá, cứu hộ cứu nạn, kinh phí… Đồng thời vận động thành lập tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi loài chíp chíp tại sông Hàn và vịnh Đà Nẵng cũng như xây dựng đề án thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

TRẦN TRÚC



Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202502/cong-dong-chung-tay-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-4000197/

Kommentar (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available