Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có nhiều chính sách về tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo. Một trong những đề xuất đang nhận được quan tâm là chế độ kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo đủ tuổi nghỉ hưu.
Tại Điều 50 chế độ kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo quy định:
Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu cơ sở giáo dục có nhu cầu và chấp thuận, nhà giáo có đủ sức khỏe và tự nguyện.
Thời gian kéo dài theo quy định của khoản 1 Điều này đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện như sau:
Không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ;
Không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư;
Không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư.
Thời gian kéo dài theo quy định của khoản 1 Điều này đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thực hiện theo thỏa thuận của nhà giáo với cơ sở giáo dục.
Trong thời gian kéo dài làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều này, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo; nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục có thể giữ các chức vụ quản lý nếu đáp ứng được yêu cầu của cơ sở giáo dục.
Quyết định kéo dài thời gian công tác của nhà giáo được gửi cho tổ chức, cá nhân có liên quan trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 03 tháng.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến thủ tục, trình tự xem xét kéo dài thời gian làm việc; chính sách đối với nhà giáo trong thời gian làm việc kéo dài.
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều, bám sát 05 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ. Mục đích xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”; phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là trọng tâm, xuyên suốt; xây dựng đội ngũ nhà giáo, tạo động lực cho người dạy, học và tôn vinh nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.
Theo kế hoạch, dự án Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2024) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2025)
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/de-xuat-truong-hop-keo-dai-thoi-gian-lam-viec-voi-giao-vien-1392954.ldo