Bộ Quốc phòng vừa trình Bộ Tư pháp hồ sơ dự án Luật Phòng không nhân dân, trong đó đề cập chi tiết đến việc quản lý sử dụng thiết bị bay không người lái (Drones).
Dự thảo luật gồm 55 điều, trong đó có 86 lần nhắc đến từ khóa “tàu bay không người lái”.
Muốn bay flycam phải có chứng chỉ, đăng ký trước
Dự thảo luật quy định người sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đăng ký trước với cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục hành vi bị cấm trong dự luật bao gồm “Sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trái pháp luật” và “Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để xâm phạm an ninh quốc gia, an toàn hàng không, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân”.
Người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên; được đào tạo kiến thức về hàng không và được cấp chứng chỉ theo quy định của Chính phủ; quá trình khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ không được sử dụng chất cấm theo quy định của pháp luật.
Bộ Quốc phòng sẽ là cơ quan cấp phép cho chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
Trường hợp cấp phép bay cho hoạt động bay trong khu vực cấm bay, hạn chế bay tại cảng hàng không, sân bay và các khu vực khác có ảnh hưởng đến hoạt động bay của tàu bay hàng không dân dụng, quân sự phải được sự thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng;
Dự luật cũng lưu ý tàu bay không người lái phục vụ vui chơi giải trí có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25 kg hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay được miễn trừ cấp phép bay.
Trao thêm quyền cho cơ quan quản lý
Dự luật cũng trao quyền cho cơ quan chức năng đình chỉ chuyến bay, tạm giữ, bắt giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
Đơn cử, hoạt động bay sẽ bị đình chỉ nếu bay không đúng thời gian, độ cao, cự li, khu vực của giấy phép bay; phương tiện bay chưa được đăng ký, cấp phép; giấy phép bay đã hết hạn; trước khi bay không thông báo chuyến bay cho Trung tâm quản lý điều hành bay khu vực; không thực hiện quy định hiệp đồng bay với cơ quan quân sự địa phương…
Tàu bay không người lái sẽ bị bắt giữ, chế áp trong trường hợp bay khi chưa được cấp phép hoặc không có giấy phép bay; bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay; xâm phạm sân bay hoặc khu vực lân cận; bay nhằm tuyên tuyền, chống phá Đảng, Nhà nước và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…; máy bay mang theo chất cháy, chất nổ, chất gây nổ, vũ khí…
Tại Điều 11 quy định về lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, Bộ Quốc phòng đã bổ sung thêm một lực lượng là “tổ chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ”. Tổ chế áp này được biên chế ở cấp huyện và cấp tỉnh từ cấp huyện trở lên.
Tổ trưởng tổ chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ được quyền ra lệnh chế áp, tạm giữ khi phát hiện các phương tiện bay vi phạm quy định.
Tại Việt Nam, hoạt động mua bán, sử dụng máy bay không người lái phục vụ mục đích dân sự đang ngày càng phổ biến. Ban đầu, máy bay không người lái chủ yếu là các dòng máy bay mô hình điều khiển từ xa, được sử dụng như đồ chơi trẻ em hoặc thú vui sưu tầm, giải trí của người lớn.
Máy bay mô hình cũng được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp để gieo hạt, phun thuốc trừ sâu; sử dụng làm mô hình diễn tập của lực lượng phòng không.
Khoảng 10 năm trở lại đây, loại hình máy bay không người lái gắn camera (flycam) nở rộ với giá thành ngày càng rẻ. Flycam được sử dụng để tác nghiệp báo chí, làm phim, quảng bá du lịch…
Nhìn chung, các loại máy bay không người lái trên thị trường đều được thiết kế cho mục đích dân sự. Tuy nhiên, khi rơi vào tay thế lực xấu, chúng có thể trở thành phương tiện do thám, thu thập bí mật quân sự hoặc thậm chí là phương tiện thả chất nổ, chất cháy, truyền đơn…
Giải thích từ ngữ trong dự thảo luật:
“Tàu bay không người lái” là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó.
“Phương tiện bay siêu nhẹ”, gồm:
– Flycam là phương tiện bay có gắn camera được điều khiển từ xa để chụp ảnh, quay video từ trên cao.
– Khí cầu là thiết bị bay mà lực nâng được tạo bởi chất khí chứa trong vỏ bọc của nó, bao gồm khí cầu bay có người điều khiển và khí cầu bay không có người điều khiển;
– Mô hình bay bao gồm các loại tàu lượn được mô phỏng theo hình dáng, kiểu cách các loại máy bay, được gắn động cơ, được điều khiển bằng vô tuyến hoặc chương trình lập sẵn; các loại dù bay, diều bay có hoặc không có người điều khiển, trừ các loại diều bay dân gian.