Ba tuyến kè tổng chiều dài hơn 8,2 km cùng 12 cống kiểm soát nước, 6 cống ngăn triều được đề xuất triển khai nhằm chống ngập cho 2.800 ha vùng lõi trung tâm Cần Thơ.
Thông tin được ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ) nêu tại buổi làm việc với Thành ủy Cần Thơ chiều 13/3. Dự án sẽ chống ngập cho vùng lõi trung tâm Cần Thơ, thuộc quận Ninh Kiều, Bình Thủy.
Công trình dự kiến được triển khai trong năm nay, hoàn thành năm 2026 nhằm chống ngập cho nội ô thành phố, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu. Dự án được đề xuất sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng địa phương.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho rằng dự án này ngoài mục tiêu chống ngập, còn giúp chỉnh trang đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, ông đề nghị cơ quan chức năng bổ sung tính cấp bách của dự án; lấy thêm ý kiến các đơn vị như sân bay Cần Thơ, Quân khu 9, khu công nghiệp Trà Nóc, người dân trước khi trình trung ương.
Lãnh đạo Thành ủy Cần Thơ cũng yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp quận Bình Thủy kiểm đếm khu vực, số hộ dân bị ảnh hưởng, tái định cư để chuẩn bị thực hiện dự án. Về nguồn vốn đầu tư, ông Hiếu gợi ý hai phương án: xin Chính phủ vay ODA rồi cấp lại cho Cần Thơ hoặc xin từ nguồn kết dư ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2026.
Trước đó, TP Cần Thơ triển khai dự án phát triển và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, thực hiện từ 2016 đến tháng 6/2024 với tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Công trình nhằm kiểm soát ngập cho gần 2.700 ha trung tâm quận Ninh Kiều, Bình Thủy, bảo vệ hơn 420.000 dân.
Dự án có 3 hợp phần: kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường (xây 9 km kè sông Cần Thơ, sông Cái Sơn, Rạch Mương Khai, hệ thống âu thuyền, cống ngăn triều, hồ điều hòa, trạm bơm); phát triển hành lang đô thị kết nối giao thông (cầu Quang Trung và cầu – đường Trần Hoàng Na nối quận Cái Răng – Ninh Kiều…), tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tích hợp, đồng bộ…).
Các công trình này đang dần hoàn thiện, nhiều hạng mục đã được đưa vào khai thác. Trong đó, đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch năm ngoái (ngày 30/10/2023), hệ thống cống, âu thuyền… đã được vận hành thử nghiệm và đạt hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, diện tích kiểm soát ngập mới chỉ đạt gần 15%, trong tổng số hơn 17.700 ha của vùng trung tâm thành phố.
An Bình