Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động GGHB LHQ chủ trì hội nghị. Tham dự có Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Đại diện các cơ quan bộ, ban, ngành.
Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện việc quán triệt triển khai và kết quả thực hiện Nghị định 162; đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành; những bất cập về chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với tổ chức Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.
Hội nghị cũng xác định cụ thể các kiến nghị, đề xuất làm cơ sở để Bộ Quốc phòng đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 162, nhằm bảo đảm chế độ chính sách cho cá nhân và công tác bảo đảm cho đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Trung tướng Trịnh Văn Quyết cho rằng, việc thực hiện Nghị định 162 cơ bản bao quát hết các nội dung, đối tượng, đáp ứng điều kiện đời sống vật chất, hỗ trợ cho các cá nhân và đơn vị tham gia sứ mệnh gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong tình hình mới, quá trình thực hiện nhiệm vụ có những vấn đề phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ cũng cao hơn, điều kiện tại các địa bàn khó khăn, môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ do bất ổn an ninh, chính trị, bệnh dịch, xung đột vũ trang, đe dọa tới tính mạng và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng tham gia vì vậy được tinh chọn, có bản lĩnh, kỹ năng, trình độ đáp ứng yêu cầu hoạt động độc lập trong môi trường quốc tế. Điều kiện làm việc đòi hỏi yêu cầu cao thì điều kiện bảo đảm cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ cũng phải cao hơn.
Trong khi đó, các chế độ, chính sách theo Nghị định 162 còn những vấn đề bất cập, chưa phù hợp yêu cầu nhiệm vụ cao hơn rất nhiều, chưa thống nhất giữa các lực lượng, thậm chí chưa thống nhất với các nước, các lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết yêu cầu, trong Nghị định 162, những vấn đề gì tốt, còn phù hợp thì tiếp tục kế thừa để thực hiện cho tốt, vấn đề gì không phù hợp cần sửa chữa, bổ sung cho phù hợp hơn; quan trọng là cần thống nhất về chế độ, chính sách giữa các lực lượng trong cả nước; tìm ra những vấn đề là điểm nghẽn, gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực nhiệm vụ.
Phát biểu kết luận, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị nhằm bổ sung, sửa đổi Nghị định 162. Hội nghị đã phân tích, làm rõ các ưu điểm, thẳng thắn chỉ ra một số bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nghị định. Nghị định 162 là cơ sở pháp lý quan trọng đầu tiên để bảo đảm các chế độ chính sách cơ bản cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; kịp thời động viên, khuyến khích các lực lượng tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định, Hội nghị đạt được sự đồng thuận cao, nhất trí bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 162 để phù hợp với một số văn bản pháp luật hiện hành và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng như Lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc của Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của các bộ, ban, ngành trong quá trình triển khai lực lượng cũng như bảo đảm các chế độ, chính sách trong và sau khi kết thúc thực hiện nhiệm vụ.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến yêu cầu các cơ quan, đơn vị cử lực lượng tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cần tiếp tục quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Quốc phòng, nhất là liên quan đến các chế độ, chính sách theo Nghị định 162, giúp các cán bộ, chiến sĩ yên tâm, phấn khởi nhận và thực hiện nhiệm vụ; giao các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng thực hiện các thủ tục liên quan để báo cáo Chính phủ cho phép sửa đổi một số điều trong Nghị định 162.
Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị định 162, Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam nhấn mạnh, từ khi triển khai lực lượng, lãnh đạo các cấp đã quan tâm, thường xuyên theo dõi, tạo điều kiện và ban hành nhiều chủ trương, chính sách đãi ngộ đối với lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Việc thực hiện Nghị định 162 đã góp phần bảo đảm các chế độ, chính sách đối với hình thức cá nhân và đơn vị như bảo đảm kinh phí huấn luyện, tiền ăn thêm, được cấp quân trang và các trang thiết bị cần thiết trong quá trình huấn luyện trong nước; được xem xét khen thưởng, thăng quân hàm trước hạn, tham gia các dự án nhà ở xã hội…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra những bất cập trong một số nội dung của Nghị định 162 như thiếu đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Một số nội dung trong đó không phù hợp với Nghị quyết 130 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ban hành sau đó. Chế độ, chính sách ưu tiên cho lực lượng nữ chưa toàn diện, chưa mang tính khuyến khích cao. Công tác bảo đảm đối với tổ chức, đơn vị chưa tương xứng và chưa phù hợp với mỗi loại hình đơn vị theo quy định. Chưa có quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo bồi thường, hồi hương lực lượng Việt Nam trong trường hợp vi phạm kỷ luật tại phái bộ; chưa có quy định và hướng dẫn chế độ trợ cấp địa bàn cho lực lượng tham gia…
Đại diện các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội đã đóng góp ý kiến về các nội dung như: chế độ chính sách cho lực lượng nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình; công tác bảo đảm tài chính, hậu cần; những khó khăn, bất cập khi triển khai thực hiện Nghị định 162…; đề xuất phương hướng bảo đảm chế độ, chính sách cho các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trong thời gian tới.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, cần có các chính sách hỗ trợ tốt hơn cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, nhất là các nữ quân nhân, phù hợp với tình hình thực tiễn và những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Tin, ảnh: MỸ HẠNH