Với cảng trung chuyển, Cần Giờ cần định hướng trở thành khu thương mại tự do kết nối rộng rãi các vùng, đa dạng hàng hóa, theo Viện phó Nghiên cứu phát triển TP HCM.
Đề xuất được TS Trương Minh Huy Vũ, Viện phó Nghiên cứu phát triển TP HCM, nêu tại hội thảo “Kết nối chuỗi liên kết hướng tới phát triển kinh tế bền vững tại huyện Cần Giờ”, ngày 24/11.
Theo ông Vũ, Cần Giờ không nên trở thành khu phi thuế quan (mô hình khu chế xuất) vì sẽ manh mún, nhỏ lẻ mà nên trở thành khu thương mại tự do (free trade zones – FTZ). Điều này giúp kết nối một phần Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, hàng hóa sẽ đa dạng hơn.
“Khái niệm free trade zones đã có sẵn trên thế giới, được các hãng tàu định hình, sử dụng và nhắc đến là hiểu ngay. Mình không nên sáng tạo ra một tên gọi mới”, ông Vũ nói. Theo ông, dù lựa chọn hình thức nào cũng cần Quốc hội, Chính phủ phê duyệt vậy nên chọn mô hình mang đến phát triển tốt nhất cho cảng Cần Giờ.
FTZ được hình thành ở nhiều nước như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia… Khi đầu tư vào đây, các doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích như không phải đóng thuế xuất nhập khẩu; làm bàn đạp để tiếp cận thị trường; thuận lợi về vận chuyển, dịch vụ logistics; kết nối các doanh nghiệp khác trong và xung quanh FTZ.
Việt Nam hiện chưa có khu thương mại tự do. Mới đây, Hải Phòng khởi công dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu phi thuế quan – logistics và công nghiệp Lạch Huyện. Đây được xem là một mô hình trong tương lai.
Ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, cho rằng FTZ sẽ giúp giảm thời gian thông quan, lưu trữ hàng hóa ở các cảng. Hiện có làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành bán dẫn, sản xuất phụ trợ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều các nhà đầu tư quan tâm là ngoài cơ sở hạ tầng cảng biển còn liên quan các khu phi thuế quan.
“Chính sách kiểm soát thuế quan phải theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp lưu thông nhanh hàng hóa, điều này giúp đầu tàu TP HCM phát triển”, ông Thắng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển, cho rằng ban đầu tổ nghiên cứu đề án đã đặt vấn đề thành lập FTZ ở Cần Giờ. Tuy nhiên, sau khi đi thăm và học tập kinh nghiệm ở cảng Hải Phòng, tham khảo các văn bản pháp luật của Việt Nam, đơn vị nhận ra nếu dùng từ “khu thương mại tự do” sẽ gặp khó khăn nếu về sau có điều chỉnh.
Đơn vị tư vấn cho rằng thực tế, các cảng trung chuyển quốc tế đều gắn với khu thương mại tự do với diện tích từ vài nghìn đến vài chục nghìn ha. Như vậy không chỉ là Cần Giờ mà cần gắn với Phú Mỹ của Vũng Tàu. Nếu định hướng Cần Giờ thành FTZ có thể học tập kinh nghiệm từ Singapore, Malaysia.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Đại học Việt Đức, cho rằng đề án phát triển khu thương mại tự do cần nghiên cứu cụ thể mặt hàng, dây chuyền sản xuất, quy mô ra sao để đưa vào. Nguyên nhân là đất Cần Giờ nhỏ, việc hình thành khu này được hay không cần phải xem xét kỹ lưỡng.
Cần Giờ đang được nghiên cứu xây dựng cảng biển quốc tế vốn đầu tư khoảng 5,45 tỷ USD. Công trình dài hơn 7 km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay là 250.000 DWT (24.000 teus). Việc triển khai dự án đang được nghiên cứu theo 7 giai đoạn. Giai đoạn đầu xong năm 2027, hoàn thành toàn bộ cuối năm 2045.
Lê Tuyết