Từ những ý kiến tranh luận về đề kiểm tra ngữ văn đề cập ‘lối sống phông bạt của giới trẻ’, tổ trưởng môn văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đã lên tiếng.
Trưa nay 30.10, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM) đã có phản hồi chính thức với phóng viên Báo Thanh Niên về đề kiểm tra ngữ văn giữa kỳ 1 của lớp 10A25 đang gây tranh luận như Thanh Niên đã đưa tin trong bài viết Tranh luận đề kiểm tra ngữ văn ‘lối sống phông bạt của giới trẻ’.
Theo đó, giáo viên Trần Thị Bích Châu, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, đã đại diện cho tổ chuyên môn của trường này cho biết, đây là bài kiểm tra định kỳ thực hiện theo đơn vị lớp, đề kiểm tra do giáo viên bộ môn biên soạn theo sự thống nhất của tổ nhóm chuyên môn.
Cụ thể yêu cầu ra đề: Viết văn bản nghị luận bàn về 1 vấn đề (một hiện tượng đời sống hoặc một vấn đề liên quan đến giới trẻ); Đề không dùng ngữ liệu; Thời lượng làm bài: 45 phút; Đảm bảo nội dung chương trình môn ngữ văn 10 (tập 1-Chân trời sáng tạo) bài “Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội” phần viết (bài 2/ trang 54) và kiểu bài dùng lý lẽ và dẫn chứng để bàn luận, làm sáng tỏ về một vấn đề xã hội.
Tổ trưởng tổ ngữ văn của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi cũng lý giải về thời lượng yêu cầu làm bài 45 phút. Bà Châu cho biết: “Học sinh đã được hướng dẫn nhận biết yêu cầu của kiểu bài nghị luận xã hội về một vấn đề xã hội. Học sinh đã được hướng dẫn thực hành vận dụng các thao tác lập luận trong bài viết phù hợp với thời lượng được yêu cầu. Học sinh đã được hướng dẫn cách diễn đạt ngắn gọn, trình bày rõ ràng; có lý lẽ và dẫn chứng phù hợp theo yêu cầu của đề bài”.
Xôn xao đề kiểm tra ngữ văn ‘lối sống phông bạt của giới trẻ’
Về nội dung kiến thức, tổ trưởng tổ ngữ văn cho hay giáo viên hướng dẫn cho học sinh nêu được ý nghĩa thực tiễn của các vấn đề xã hội mà các em được định hướng lựa chọn (trong đó có vấn đề “lối sống phông bạt”). Trong tiết học viết, giáo viên cho học sinh thực hành các kỹ năng viết, trình bày vấn đề xã hội đã được tìm hiểu. Trong tiết học nói-nghe, giáo viên hướng dẫn học sinh trình bày theo nhóm và góp ý nhận xét giúp học sinh nhận thức đúng vấn đề xã hội, có thái độ, giải pháp phù hợp. Thể hiện nhận thức quan niệm, thái độ, lập trường của người viết trước các biểu hiện đúng/sai, tốt/xấu… Biết cách phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu trong cách nhìn nhận vấn đề xã hội. Có cái nhìn khách quan, hướng tới những điều tích cực và tốt đẹp trong cuộc sống.
Ngoài ra, học sinh lớp 10 cũng được học chủ đề “Xây dựng quan điểm sống” từ hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nên các em có thêm kiến thức xã hội để viết bài nghị luận.
Như Báo Thanh Niên đã thông tin, trên mạng xã hội lan truyền đề kiểm tra môn ngữ văn giữa học kỳ 1 của lớp 10A25 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi chỉ vỏn vẹn một dòng với 17 từ có nội dung: ‘Hãy viết bài văn nghị luận bàn về Lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay’. Có nhiều ý kiến tranh luận của giáo viên về nội dung cũng như yêu cầu của đề kiểm tra này.
Bên cạnh việc đánh giá giáo viên bắt xu hướng khi ra đề kiểm tra, cũng có giáo viên chỉ ra rằng, từ “phông bạt” có thể khó hiểu và dễ gây nhầm lẫn, đặc biệt với học sinh lớp 10. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải làm rõ trước hoặc dùng thuật ngữ gần gũi hơn để học sinh dễ tiếp cận và diễn đạt đúng ý kiến của mình.
Cũng có giáo viên cho rằng đề kiểm tra với 1 câu nghị luận xã hội là hoàn toàn đúng với quy định hiện hành. Tuy nhiên chưa đúng quy định về thời gian kiểm tra theo Thông tư 22 về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT, tối thiểu 60 phút…
Nguồn: https://thanhnien.vn/de-van-ban-ve-loi-song-phong-bat-cua-gioi-tre-nha-truong-noi-gi-185241030121353683.htm