Đề thi Ngữ văn chính thức của kỳ thi năm nay bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Theo TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống giáo dục HOCMAI, Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo các mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết về một chi tiết đã hiện hữu trong nội dung văn bản, là dạng câu hỏi giúp các em có thể dễ dàng đạt mức điểm tối đa.
Câu 3 là câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng vốn hiểu biết về kiến thức tiếng Việt, về văn chương, nghệ thuật và cuộc sống để diễn giải được giá trị biểu đạt và biểu cảm của phép so sánh liên tưởng giữa dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật trong đoạn trích. Khi có vốn hiểu biết nhất định về thiên nhiên, cuộc sống, văn chương…, thí sinh hoàn toàn có thể phân tích và chỉ ra sự tiếp nối, kế thừa, thay đổi từ dòng chảy của con sông tới lịch sử sáng tạo nghệ thuật khi những khúc sông sau tiếp nối nhịp chảy, phù sa, sắc nước từ những khúc sông trước những lại vươn mình tới những bến bờ mà khúc sông trước chỉ mới ước ao, hoặc thậm chí chưa từng nghĩ tới – đây là câu hỏi cần có sự sâu sắc của tư duy và trải nghiệm.
Câu hỏi số 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lối sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong đoạn trích: “Nếu tách rời từng giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta chỉ nhìn thấy những giọt nước nhỏ bé, đơn độc và dần dần biến mất”. Thí sinh sẽ không khó khi tìm thấy thông điệp, bài học cho lối sống của bản thân mình, đó là bài học về sự tồn tại có ý nghĩa khi gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng.
“Đây là câu hỏi có khả năng phân loại học sinh tương đối tốt khi hướng trả lời, cách lập luận phụ thuộc nhiều vào tư duy và bản lĩnh độc lập, tự chủ của học sinh. Nhìn chung, các câu hỏi đọc hiểu vừa sức với học sinh, bảo đảm đúng các mức độ nhận thức, có ý nghĩa thực tế” – TS Trịnh Thu Tuyết nhận xét.
Phần II – Làm văn (7,0 điểm) giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).
Câu 1 (2,0 điểm): Câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chính xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết một đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu.
Yêu cầu của câu viết đoạn văn nghị luận xã hội ít nhiều có thể tạo bất ngờ và hứng thú cho thí sinh khi làm bài, khi yêu cầu các em luận bàn về “ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính” – vấn đề tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cá tính và tư duy độc lập lâu nay vẫn thường được đề cao trong các bài giảng hoặc đề tài thảo luận, nhưng thực tế, đó vẫn là sự bức bối của không ít người trong thực tế cuộc sống hằng ngày.
Có thể thấy đây là câu hỏi không mới nhưng khá thiết thực, tạo hứng thú với những học trò đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới, nơi các em phải thể hiện năng lực và bản lĩnh cá nhân, thể hiện cá tính riêng của mình trong hành trình tới với thành công.
Câu 2 (5,0 điểm): Với mô hình câu nghị luận văn học hoàn toàn không thay đổi so với đề thi từ năm 2017 đến nay về thể loại, dung lượng ngữ liệu nghị luận, các yêu cầu nghị luận…, thí sinh có thể được rút kinh nghiệm rất nhiều từ những kỳ thi năm trước, nên không bất ngờ, rất quen thuộc với thí sinh.
Thí sinh có thể phân tích đồng thời sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ ngay trong quá trình cảm nhận các giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, hoặc tách thành hai luận điểm mạch lạc như yêu cầu của đề. Kiến thức và kỹ năng phân tích, cảm nhận, đánh giá… trong câu nghị luận văn học không hề khó với học trò, sau khi các em đã có cả một chặng đường học tập, ôn và luyện.
Nhìn chung, theo giáo viên, đề thi Ngữ văn bảo đảm đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
“Bắt đầu từ năm sau, theo cách học và thi của Chương trình Giáo dục 2018, với các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, hy vọng đề thi Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 sẽ đem lại nhiều hứng thú, thách thức và cơ hội cho các thí sinh yêu văn chương, ham hiểu biết, khám phá, có tư duy độc lập, không thích đi theo lối mòn” – TS Trịnh Thu Tuyết bày tỏ.
Nguồn: https://nhandan.vn/de-ngu-van-dua-ra-cau-hoi-thiet-thuc-voi-gioi-tre-post816360.html