Từ năm 2025, ngữ liệu sử dụng trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn có thể nằm ngoài sách giáo khoa. Cách ra đề mới mẻ này khiến học sinh phải thay đổi cách học, tiếp cận vấn đề.
Thay vì học thuộc các bài văn mẫu như trước kia, em Trịnh Quỳnh Dương, học sinh Trường THPT Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, đề thi ngữ văn sẽ có nhiều câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh củng cố thêm kỹ năng đọc hiểu, vận dụng kiến thức xã hội vào bài văn.
Em Nguyễn Hồng Diệp, học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) ủng hộ cách ra đề mới. Diệp cho rằng, các em sẽ được thể hiện cá tính, quan điểm trong bài văn. Học sinh sẽ không phải học tủ, học thuộc lòng như trước mà sẽ phải học, rèn kỹ năng trả lời câu hỏi, làm bài để có thể triển khai hiệu quả.
Ngữ Văn là môn thi có sẽ có sự thay đổi lớn nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Ngữ liệu sử dụng trong đề thi có thể nằm trong các sách giáo khoa khác nhau hoặc hoàn toàn “mở”, nằm ngoài sách giáo khoa.
Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.
So với đề thi của chương trình cũ, cách ra đề mới mẻ theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang thu hút sự chú ý của dư luận. Ngữ liệu ngoài sách giáo khoa được dự đoán là sẽ chấm dứt tình trạng đoán đề thi cũng như học sinh sẽ không còn học tủ, học lệch.
Nhận xét về đề thi tham khảo môn Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GDĐT công bố, cô Nguyễn Thị Hương Giang – giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) cho biết, đề thi có nhiều đổi mới về yêu cầu của từng phần, phân hóa được đối tượng khá, giỏi, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.
Theo cô Giang, đề thi tham khảo bảo đảm đúng các tiêu chí về lựa chọn ngữ liệu, ma trận câu hỏi, phù hợp với trình độ, nhận thức của học sinh. Sự thay đổi nội dung ở phần viết góp phần quan trọng giúp giảm tải áp lực cho các thí sinh đầu tiên tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Số lượng ngữ liệu trong đề thi chính thức có thể tăng lên so với đề tham khảo. Do đó, cô Giang lưu ý, học sinh cần quan tâm rèn luyện kỹ năng đọc nhanh, đọc chính xác để đảm bảo hiệu quả làm bài.
Để đạt điểm cao trong bài thi môn Ngữ văn, TS Phạm Hữu Cường – giáo viên Hệ thống Học mãi lưu ý học sinh cần cố gắng để đạt được tối đa phần đọc hiểu vì phần này có 5 câu hỏi với 4 điểm và dù ngữ liệu ngoài sách giáo khoa thì khi học sinh có năng lực đọc hiểu tốt, trả lời câu hỏi tốt thì hoàn toàn có thể đạt điểm tối đa phần này.
Ở câu hỏi viết đoạn văn 200 chữ phần nghị luận văn học, nếu học sinh có năng lực cảm thụ văn học tốt, chịu khó rèn luyện kỹ năng viết đoạn thì các em hoàn toàn đạt được khoảng 1,75-2 điểm, tức là tối đa của phần này.
Ở câu nghị luận xã hội 4 điểm, yêu cầu viết bài nghị luận xã hội 600 chữ, học sinh muốn đạt được điểm cao cần hiểu vấn đề xã hội, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, cách nhìn nhận, đánh giá của mình về vấn đề xã hội đó. Theo TS Phạm Hữu Cường, các em cần thể hiện được ý thức trách nhiệm công dân, thái độ của mình trước vấn đề xã hội như đời sống cộng đồng, dân tộc, đất nước…
Cùng với thay đổi đề thi môn Ngữ văn, đề các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng có những thay đổi, không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng có nhiều điểm mới đang chú ý. Theo đó, kỳ thi sẽ được tổ chức trong 3 buổi thi thay, gồm: 1 buổi thi môn Ngữ Văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi.
So với những năm trước, kỳ thi giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi, qua đó giảm áp lực, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng kỳ thi.
Nguồn: https://daidoanket.vn/de-thi-van-khong-dung-ngu-lieu-trong-sgk-co-lam-kho-hoc-sinh-10297658.html