Ngày 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Quan tâm đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) khẳng định: “Dự thảo Luật nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội, đặc biệt đối với chúng tôi, những người làm việc trong ngành y tế”.
Đối với vấn đề về giá gói thầu, Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết: Chúng ta đều biết trong thời gian qua những vi phạm chủ yếu trong mua sắm, đấu thầu cũng chính từ giá gói thầu. Giá gói thầu là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu được quy định tại khoản 2 Điều 39. Hiện nay, việc xác định giá gói thầu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính và đang tồn tại nhiều bất cập. Một trong những phương thức xác định giá gói thầu là phương thức sử dụng 3 báo giá, phương thức này đang mâu thuẫn với quy định tại Điều 22 dự thảo Luật Giá và các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 02, số 08. Vì phương pháp lấy 3 báo giá mà hiện nay rất nhiều đơn vị sử dụng không đảm bảo giá hàng hóa là giá thị trường trong một khoảng thời gian, không gian nhất định, không phải là giá giao dịch thành công, hợp pháp, công khai và cạnh tranh nên không thể sử dụng làm căn cứ xác định giá gói thầu. Trong dự thảo không có hướng dẫn về việc xác định giá gói thầu, bằng Nghị quyết 30 Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn về giá gói thầu, trang thiết bị y tế, tuy nhiên nhiều nội dung trong dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế vẫn còn vướng mắc. Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi) để điều chỉnh các nội dung về giá nhưng không có quy định về giá gói thầu.
“Tôi đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định nguyên tắc xác định giá gói thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này”, bà Hà nói.
Về chỉ định thầu, quy định “việc chỉ định các gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân”. Quy định này là rất cần thiết trong thực tế, tuy nhiên có một số thuật ngữ nội dung quy định chưa rõ về nội hàm, khái niệm thế nào là “gói thầu cần triển khai ngay”, có thể dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy tiện hình thức chỉ định thầu…
Đối với quy định cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với các trường hợp có tính độc quyền bảo hộ sáng chế, tuy nhiên, bên cạnh các trang thiết bị y tế, mua sắm từ nguồn ngân sách, các cơ sở y tế còn nhận rất nhiều trang thiết bị y tế từ nguồn viện trợ, tài trợ. Trong số đó cũng có một số trang thiết bị y tế cũng đòi hỏi đảm bảo tính tương thích về công nghệ và bản quyền, vì vậy cần phải bổ sung quy định đối với trường hợp trang thiết bị y tế được nhận từ viện trợ, tài trợ.
Về chỉ định thầu rút gọn, dự thảo luật lần này quy định các gói thầu được chỉ định thầu rút gọn theo hạn mức gói thầu. Đại biểu đề nghị có điều riêng trong dự thảo quy định về chỉ định thầu rút gọn, trong đó mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc. Nội dung dự thảo cần quy định phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu, không để xảy ra lúng túng trong việc áp dụng pháp luật như hiện nay.
Theo nữ Đại biểu Quốc hội, về quy định lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành y tế. Tuy nhiên, về tổng thể những nội dung quy định tại Điều 55 tương đối phức tạp và khó áp dụng trong thực tế. Ngoài ra, quy định việc nhà thầu không chuyển giao quyền sở hữu chỉ chuyển giao quyền sử dụng là chưa rõ tính chất của quan hệ, vì có thể là cho thuê hoặc cho mượn, trong khi thực tiễn nhà cung cấp là cho mượn. Vì vậy, đề xuất bổ sung thêm chính sách của nhà cung cấp và quy định rõ việc nhà thầu chuyển giao quyền sử dụng không thu tiền với thiết bị y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cũng phân tích: Tại các dự thảo trước, nội dung quy định cho phép cơ sở y tế ban hành quy chế để lựa chọn nhà cung cấp vắc xin tiêm chủng dịch vụ hoặc các loại thuốc không có trong danh mục được bảo hiểm chi trả và không nhất thiết phải tuân thủ theo quy định tại Luật Đấu thầu. Bởi trên thực tế, đối với vắc xin dịch vụ và các loại thuốc bán tại các nhà thuốc bệnh viện cung ứng theo nhu cầu của người dân với từng loại cụ thể nên không thể lập dự toán mua sắm mà phải mua sắm theo thực tế sử dụng. Trong báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu đã tiếp thu các góp ý nhưng nội dung quy định lại không phù hợp. Theo quy định tại dự thảo, chỉ cho phép các cơ sở y tế tự quyết định các hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định tại Luật Đấu thầu thì không thể giải quyết được thực tiễn vướng mắc trên.
Vì vậy, Đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị sửa khoản 2 Điều 55 thay cụm từ “thuốc trong danh mục thuốc do Quỹ bảo hiểm y tế” thành “thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” để đảm bảo đúng đối tượng, bổ sung thêm nội dung quy định về việc cơ sở y tế quyết định quy trình, thủ tục và xây dựng quy chế lựa chọn nhà cung ứng để áp dụng thống nhất trong các cơ sở y tế.