UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông vận tải về việc thống nhất một số nội dung của dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh qua địa bàn.
UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt nghiên cứu lại phương án trắc dọc tuyến đi trên mặt đất đoạn qua khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng và phương án hoàn trả cầu vượt và bố trí đường gom đường sắt cho khu công nghiệp này, bảo đảm an toàn cho tuyến đường sắt khi đưa vào vận hành, sử dụng.
Nghiên cứu, điều chỉnh phương án tuyến bảo đảm giảm thiểu tối đa quỹ đất xen kẹp giữa tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường Vành đai II TP Hải Dương, nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí đất đai.
Cần chỉnh tuyến đường sắt bảo đảm không chồng lấn với ranh giới khu công nghiệp Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc).
Tính toán, thiết kế đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ kết nối với các ga vào trong dự án, nhất là các tuyến đường bộ từ Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương kết nối với các ga, để phát huy hiệu quả khai thác đồng bộ, phát triển vận tải đa phương thức.
Nêu lý do đề nghị điều chỉnh phương án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, UBND tỉnh Hải Dương cho biết, để bảo đảm không chồng lấn với khu công nghiệp, giảm đất xen kẹp, tránh lãng phí đất đai, hạn chế ảnh hưởng đến tính liên kết hạ tầng giao thông trong khu công nghiệp, tăng hiệu quả, tránh lãng phí.
Trước đó, Cục Đường sắt Việt Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh với chiều dài quy hoạch là 447km, khổ đường 1,43m, đi qua 10 tỉnh thành, nhu cầu vốn đầu tư hơn 183.000 tỷ đồng.
Theo lộ trình đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đến năm 2030 cơ bản được thi công xong tuyến đường đơn, điện khí hóa, khổ 1,43m đoạn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Trong đó, đoạn qua Hải Dương dài khoảng 41 km, đi qua 5 huyện gồm Tứ Kỳ (khoảng 11,2km), Gia Lộc (khoảng 10,5km), Bình Giang (khoảng 9,3km), Thanh Hà (khoảng 7,9km), Cẩm Giàng (khoảng 2,6km).
Cụ thể, hướng tuyến bắt đầu từ ranh giới với tỉnh Hưng Yên, vượt qua quốc lộ 38 tránh khu dân cư Đông Giao (huyện Cẩm Giàng), vượt khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, vượt quốc lộ 5 và sông Sặt, sau đó đi vào trục quy hoạch đường sắt qua khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, đến vị trí đặt ga Bình Giang.
Ra khỏi ga Bình Giang, tuyến đi về hướng đông nam qua đường tỉnh 395, 394 qua sông Đình Đào tới địa phận xã Yết Kiêu (huyện Gia Lộc) và đến ga Hải Dương Nam.
Tuyến tiếp tục bám sát và đi song song ở phía bắc đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, vượt trên quốc lộ 38B, nút giao quốc lộ 38B với đường dẫn vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 37. Sau đó, tuyến rẽ trái tạo đường cong vượt đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tiếp tục bám sát và đi song song ở phía nam đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, vượt đường tỉnh 391 đến ga Tứ Kỳ.
Ra khỏi ga Tứ Kỳ, tuyến tiếp tục bám sát và đi song song ở phía nam đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đoạn qua huyện Thanh Hà là hết địa phận tỉnh Hải Dương.
Cùng với đó, dự án đi qua tỉnh Hải Dương sẽ được quy hoạch 3 ga.
Cụ thể, ga Bình Giang thuộc địa phận xã Hùng Thắng, là ga hỗn hợp tác nghiệp hành khách và hàng hóa, quy mô 6 đường đón tiễn; 1 đường xếp dỡ, diện tích khoảng 10,5ha. Trong tương lai đề nghị xây dựng thành ga liên vận quốc tế.
Ga Hải Dương Nam quy hoạch tại thị trấn Gia Lộc, phía nam thôn Chằm, xã Yết Kiêu, phía bắc đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường vành đai II (TP Hải Dương) là ga hỗn hợp tác nghiệp hành khách và hàng hóa. Quy mô 7 đường đón tiễn, 2 đường xếp dỡ, diện tích khoảng 10,5ha.
Ga Tứ Kỳ ở xã Chí Minh, là ga kỹ thuật nhường tránh. Quy mô 3 đường đón tiễn, diện tích khoảng 5,3ha. Trong tương lai, khi tuyến đường sắt hoàn thiện đường đôi, xem xét chuyển đổi thành ga hàng hóa.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ly-do-hai-duong-de-nghi-dieu-chinh-phuong-an-tuyen-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-192241118102409232.htm