Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị cơ quan chức năng điều tra và làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đăng tải nội dung xuyên tạc ngữ liệu trong sách giáo khoa.
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin về một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa như “Giã gạo thổi cơm”, “Bắn tung tóe”, “Bạn An dũng cảm”, “Bé xách đỡ mẹ”, “Vẽ gì khó”. Mỗi bài đăng kèm hình ảnh được mô tả là trang sách có các ngữ liệu này, thu hút từ vài chục đến vài nghìn lượt yêu thích, bình luận.
Nhiều người chia sẻ lại các bài kèm nhận định ngữ liệu không phù hợp với học sinh. Chẳng hạn, bài “Vẽ gì khó” chỉ ra vẽ trâu, vẽ chó khó và vẽ ma quỷ dễ. Nhiều người chỉ trích ngành giáo dục khi đưa các ngữ liệu này vào sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tối 17/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định những nội dung trên không có trong sách giáo khoa hiện hành mà các nhà trường đang sử dụng.
“Bộ đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguồn gốc thông tin trên, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đăng tải, xuyên tạc”, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin.
Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm ba bộ là Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều, được đưa vào sử dụng từ năm 2020.
Khi đó, một số ngữ liệu trong sách bị đánh giá không phù hợp. Như ở sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều, một số ngữ liệu được cho là dài và khó, sử dụng từ ngữ khó hiểu, hình ảnh không gần gũi. Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả chỉnh sửa, hiệu đính nội dung chưa phù hợp. Bài thơ “Bắt nạt” trong cuốn Ngữ văn lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cũng gây tranh cãi.
Nhiều giáo viên chủ động lựa chọn, thay thế bằng ngữ liệu khác bởi mục tiêu giáo dục ở chương trình phổ thông mới là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh như trước đây mà chỉ là phương tiện hỗ trợ việc dạy và học.
Hiện, các khối lớp từ 1 đến 4, 6 đến 8 và lớp 10, 11 đã học theo chương trình và sách giáo khoa mới.