Kinhtedothi – Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), đại biểu Quốc hội đề nghị ban hành quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc tiếp nhận, xử lý và giám sát KNTC.
Ngày 26/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết KNTC.
Tạo thêm niềm tin của cử tri và Nhân dân
Bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) đánh giá, thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, đặc biệt là hoạt động giám sát tiếp tục tập trung, có trọng tâm, trọng điểm vào những vấn đề bức xúc trong đời sống được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực tập trung giải quyết các kiến nghị của cử tri, vì vậy số kiến nghị của cử tri được tiếp thu, giải quyết xong ngay giữa 2 kỳ họp đã tăng so với các kỳ họp trước. Theo thống kê cho thấy, Kỳ họp thứ 6 chỉ có 95 ý kiến nghị được giải quyết xong, nhưng đến Kỳ họp thứ 7 đã có đến 140 kiến nghị của các bộ, ngành đã giải quyết xong và nhiều kiến nghị đã được trả lời trước thời hạn.
Qua đó cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết kiến nghị của cử tri, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đánh giá, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri ngày càng được các cơ quan có thẩm quyền, các bộ ngành, quan tâm chú trọng.
Các bộ ngành đã tích cực xem xét, nghiên cứu, trả lời các kiến nghị của cử tri về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền phụ trách. Tiếp thu các kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật của cử tri, nhiều Luật và các văn bản hướng dẫn đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nhiều kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tạo thêm niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với Nhà nước.
Xử lý vi phạm cơ quan né tránh hoặc không thực hiện kiến nghị giám sát
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn về số lượng văn bản trả lời của các bộ, ngành gửi đến địa phương chủ yếu là cung cấp thông tin, giải trình, còn số văn bản phản ánh việc giải quyết vấn đề rất ít. Trong báo cáo việc trả lời cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, có 2.112 văn bản trên tổng 2.160 văn bản kiến nghị được trả lời (chiếm 97,7%) – một con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, số ý kiến cung cấp thông tin là 1.609 (chiếm 79%), còn nghiên cứu, xem xét giải quyết chỉ được 151 ý kiến, chiếm 7,2%, như vậy không đáp ứng được mong muốn của cử tri.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc tiếp nhận, xử lý và giám sát KNTC.
Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo để tăng cường quyền giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, đặc biệt trong các vụ việc phức tạp. Quy định rõ trách nhiệm xử lý vi phạm đối với các cơ quan chậm trễ, né tránh hoặc không thực hiện kiến nghị giám sát.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dbqh-de-xuat-co-che-phoi-hop-trong-tiep-nhan-xu-ly-giam-sat-khieu-nai-to-cao.html