Nhiều trường đại học đưa khởi nghiệp thành môn học, nhưng đang “tự biên tự diễn” vì không có giáo trình thống nhất.
Tại diễn đàn khởi nghiệp quốc gia sáng 12/8, TS Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp quốc gia, chỉ ra bất cập trong việc dạy sinh viên kiến thức khởi nghiệp.
Theo ông Khanh, sau khi triển khai đề án 1665 của Chính phủ về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, số trường đại học đưa khởi nghiệp thành một môn học tăng từ 30% năm 2020 lên 48% hiện nay. Tuy nhiên, chương trình, nội dung và thời gian đào tạo vẫn do các trường “tự biên tự diễn”, bởi chưa có một bộ giáo trình hay quy chuẩn thống nhất về nội dung này.
“Không ít thầy cô bê nguyên giáo trình khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, cắt đi một chút rồi dạy. Đó không phải khởi nghiệp”, ông Khanh nói, cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có trách nhiệm về việc này.
TS Lưu Hữu Đức, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Hỗ trợ khởi nghiệp, Học viện Tài chính, đồng tình với quan điểm này. Là người trực tiếp hỗ trợ, làm cùng sinh viên, ông Đức cho rằng không có giáo trình khởi nghiệp là vướng mắc lớn. Một khi không có bộ khung thống nhất về chương trình dạy, các trường rất khó chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao tri thức và hỗ trợ nhau trong hoạt động khởi nghiệp.
“Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất việc cần có giáo trình khởi nghiệp và thực sự mong có một bộ tài liệu chuẩn để dạy cho sinh viên”, ông Đức nói.
Việt Nam hiện có khoảng 900.000 doanh nghiệp. Với gần 100 triệu dân, bình quân hơn 110 người dân có một doanh nghiệp. So sánh với Mỹ, Hàn Quốc và Singapore, những nơi bình quân cứ 30-45 người có một doanh nghiệp, TS Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia, nhận định số doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn rất ít.
Các chuyên gia nhìn nhận nếu không được cung cấp kiến thức bài bản, sinh viên khó khởi nghiệp thành công. Trong khi đây là nhóm nòng cốt trong phong trào khởi nghiệp ở các trường đại học.
Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho hay Bộ sẽ chỉ đạo toàn ngành nói chung, các trường đại học nói riêng, tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông thừa nhận tài liệu khởi nghiệp là một trong những tồn tại, hạn chế.
TS Trần Duy Khanh kiến nghị Bộ thiết kế, xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, thiết thực, giúp sinh viên nhận thức rõ hơn về hoạt động khởi nghiệp. Ông Khanh gợi ý giáo trình khởi nghiệp có thể gồm hai phần, trong đó một phần “cứng”, cung cấp kiến thức nền, dùng chung cho tất cả trường đại học, cao đẳng; phần còn lại có thể do các trường phát triển thêm để phù hợp với lĩnh vực đào tạo của mình.
“Muốn các trường đào tạo khởi nghiệp tốt, cần có giáo trình tốt trước đã”, ông Khanh nói.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến tháng 3 năm nay, cả nước có gần 100 trường đại học đưa môn khởi nghiệp vào giảng dạy. Tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp là 7%.
Thanh Hằng