Năm 2025, thành phố đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng với nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là việc cụ thể hóa các chính sách, nghị định và quy định mới của Luật Đất đai 2024 vào thực tiễn công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Trao đổi với Báo Đà Nẵng xung quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương cho biết:
- Trong năm 2024, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Thành ủy, HĐND và UBND thành phố, công tác giải phóng mặt bằng được đẩy mạnh, mang lại những kết quả tích cực. Các cơ chế, chính sách được cải tiến theo hướng linh hoạt và gần người dân hơn. Nhiều giải pháp được áp dụng như phân cấp, phân quyền cho UBND cấp quận, huyện trong thu hồi đất, quyết định một số nội dung về chất lượng nhà cửa, vật kiến trúc, bố trí đất tái định cư; các tổ công tác như Tổ 888 được thành lập để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến công tác GPMB.
Năm qua, toàn thành phố có 104 dự án với 8.408 hồ sơ và 8.380 ngôi mộ cần phải giải tỏa. Theo đó, đến ngày 31-12-2024 đã hoàn thành 32/104 dự án, đạt tỷ lệ 30,8% (tăng 10% so với năm 2023 và 17% so với năm 2022); hoàn thành 5.126/8.408 hồ sơ, tỷ lệ 61% (tăng 36,8% so với 2023 và 45,3% so với 2022). Trong đó, nhiều dự án giải tỏa đạt tiến độ tích cực.
Điển hình là dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan đã giải tỏa 1.220 hồ sơ, 272 ngôi nhà và 3.298 ngôi mộ trong gần 9 tháng. Có 600 ngôi mộ của dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14B được người dân, doanh nghiệp bàn giao mặt bằng trong thời gian 90 ngày. Về giải ngân vốn đền bù hơn 1.347 tỷ đồng /1.748 tỷ đồng, đạt trên 77% (tăng 8,82% so với 2022 và 44,47% so với 2023).
Nổi bật trong công tác GPMB phải kể đến quận Liên Chiểu dẫn đầu với 16 dự án hoàn thành, huyện Hòa Vang xếp thứ hai với 8 dự án. Về tốc độ bàn giao hồ sơ, huyện Hòa Vang dẫn đầu với 3.677/5.928 hồ sơ (đạt 62%); tiếp đến là quận Liên Chiểu với 1.005/1.674 hồ sơ (đạt 60%).
Có được kết quả này là nhờ UBND thành phố đã triển khai nhiều chính sách mới gồm: đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện về thẩm định, phê duyệt kế hoạch tái định cư; hạn chế phát sinh kinh phí bồi thường, điều chỉnh tổng mức đầu tư; hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu cũng như quy định về tái định cư tại lô đất hai mặt tiền; cơ chế bồi thường bằng tiền theo giá thị trường…
* Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác GPMB vẫn còn những khó khăn, trở ngại gì, thưa ông?
- Ngoài mặt tích cực, công tác đền bù, giải tỏa trên địa bàn thành phố năm 2024 vẫn tồn tại một số vướng mắc như: việc phân cấp, ủy quyền chưa hiệu quả; dù đây là chủ trương đúng đắn, nhưng việc thực hiện chưa phát huy hết tác dụng do tâm lý e ngại, chưa quyết liệt trong áp dụng quyền hạn, đặc biệt trong phê duyệt hỗ trợ bổ sung.
Mặt khác, giá bồi thường vẫn tính theo bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh, chưa phản ánh đúng giá thị trường, dẫn đến sự không đồng thuận của người dân, nhất là tại các vị trí khó bố trí tái định cư. Hơn nữa, đơn giá bồi thường nhà cửa, công trình thấp, tiệm cận thực tế, gây bức xúc và làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, một số dự án chưa có đất thực tế để bố trí cho người dân gây khó khăn trong vận động và cưỡng chế thu hồi đất, đặc biệt tại huyện Hòa Vang.
Việc chậm trễ trong chuyển đổi quỹ đất tái định cư, dù UBND thành phố đã thống nhất chủ trương chuyển đổi, hội đồng bồi thường ở các quận, huyện chưa mạnh dạn triển khai, khiến tình trạng nợ đất tái định cư chưa được giải quyết. Cơ quan chuyên môn quận, huyện chưa chủ động, nhân sự còn hạn chế, tham mưu chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB. Một số chủ đầu tư dự án chưa chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong công tác GPMB, chưa phối hợp chặt chẽ với địa phương, dồn trách nhiệm cho hội đồng bồi thường quận, huyện.
Việc quản lý đất nông nghiệp ở một số địa phương còn lỏng lẻo, tình trạng chuyển nhượng trái phép, lợi dụng chính sách để trục lợi gây phức tạp trong thu hồi đất. Việc giải tỏa ở một số dự án còn dàn trải, chưa dứt điểm; phân bổ nguồn lực chưa khoa học, xử lý hồ sơ khó còn chậm, gây tình trạng “da beo” ảnh hưởng đến thi công.
* Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường có những giải pháp gì để khắc phục những hạn chế này?
- Để thực hiện hiệu quả trong công tác GPMB, trước hết phải khắc phục dứt điểm những tồn như đã đề cập ở trên để đẩy nhanh tiến độ GPMB, bảo đảm quyền lợi người dân và hiệu quả triển khai các dự án. Song song đó, cần tận dụng chính sách mới như áp dụng Luật Đất đai 2024 và Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng để đẩy nhanh tiến độ GPMB ngay từ đầu năm 2025.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh cách thủ tục hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nhất là cắt giảm thủ tục không cần thiết, đặc biệt trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; hoàn thiện Đề án về khai thác quỹ đất công, triển khai hoán đổi vị trí tái định cư để giảm áp lực nợ và tiết kiệm đầu tư công. Đối với các ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố về tiến độ xây dựng các khu tái định cư.
Đối với UBND quận, huyện chủ động quyết định các nội dung đã được phân cấp, tránh trình hồ sơ không cần thiết; đồng thời lập kế hoạch giải tỏa đền bù năm 2025 sát với kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ hợp lý. Ngành xây dựng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động cập nhật, công bố đơn giá bồi thường sát với thị trường để bảo đảm quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất.
Các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép, đặc biệt tại khu vực quy hoạch thu hồi đất. Riêng quận Liên Chiểu, tập trung rà soát các trường hợp xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đề xuất phương án tháo gỡ vướng mắc trong quý 2-2025.
Tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận cũng như chủ động phối hợp chặt chẽ giữa thành phố và địa phương thông qua Tổ công tác 888 để tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong công tác GPMB; chủ động bố trí tái định cư linh hoạt, giảm áp lực quỹ đất, đồng thời, xem xét chính sách nhà ở xã hội cho người bị thu hồi đất.
Kế hoạch đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn thành phố năm 2025 gồm 71 dự án được phân thành 3 nhóm. Trong đó, nhóm 1/2024 gồm 32 dự án với 1.107 hồ sơ; nhóm 1/2025 gồm 28 dự án với 4.682 hồ sơ; nhóm 2/2025 gồm 11 dự án với 1.448 hồ sơ. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành công tác GPMB năm 2025 gồm 6.329 hồ sơ; năm 2026 hoàn thành 1.087 hồ sơ. Riêng đối với các dự án vướng mắc thủ tục chuẩn bị đầu tư; dự án không triển khai thu hồi đất; các dự án chưa cấp vốn đền bù năm 2025 hoặc dự án chưa có chủ trương đầu tư, thành phố sẽ bổ sung vào kế hoạch nếu các vướng mắc được giải quyết. (Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường) |
TRỌNG HÙNG
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202502/day-nhanh-giai-phong-mat-bang-trong-nam-2025-4000861/
Bình luận (0)