Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Một trong các quyết sách nổi bật là việc phát triển viễn thông vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (Low Earth Orbit - LEO). Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong chiến lược kết nối số, nhằm tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng viễn thông, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp (Ảnh: Quochoi.vn).
Việc triển khai công nghệ LEO không chỉ nâng cao chất lượng internet, thu hẹp khoảng cách số mà còn tăng cường năng lực ứng phó thiên tai, thúc đẩy giáo dục, y tế và phát triển kinh tế bền vững.
Viễn thông vệ tinh quỹ đạo tầm thấp là gì?
Vệ tinh quỹ đạo tầm thấp là các vệ tinh hoạt động ở độ cao từ 160km đến dưới 2.000km so với bề mặt trái đất. Khác với các vệ tinh địa tĩnh (GEO) quay quanh trái đất ở độ cao khoảng 35.786 km, vệ tinh LEO di chuyển nhanh hơn và hoàn thành một vòng quay quanh trái đất trong khoảng 90 đến 120 phút.
Vệ tinh quỹ đạo tầm thấp là các vệ tinh hoạt động ở độ cao từ 160km đến dưới 2.000km so với bề mặt trái đất (Ảnh: Getty).
Đặc điểm nổi bật của LEO là khả năng cung cấp kết nối internet với độ trễ thấp và phạm vi phủ sóng toàn cầu thông qua các chòm sao vệ tinh - tập hợp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn vệ tinh hoạt động đồng bộ.
LEO không phải là một khái niệm mới. Tuy nhiên, sự bùng nổ nhu cầu về internet tốc độ cao và sự sụt giảm chi phí phóng nhờ công nghệ tái sử dụng tên lửa đã giúp LEO trở thành giải pháp hàng đầu trong kết nối toàn cầu.
Các dự án nổi bật như Starlink (SpaceX), Kuiper (Amazon) và OneWeb đang là những nhà tiên phong trong lĩnh vực này.
Cuộc đua LEO đang trở thành tâm điểm của các tập đoàn công nghệ lớn. SpaceX, với dự án Starlink, đã phóng hơn 6.000 vệ tinh và cung cấp dịch vụ cho hơn 110 quốc gia. Amazon đầu tư hàng chục tỷ USD cho Kuiper với mục tiêu phủ sóng toàn cầu từ năm 2026. OneWeb, liên doanh Anh - Ấn Độ, nhắm đến các khu vực châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á.
Vệ tinh LEO di chuyển nhanh hơn và hoàn thành một vòng quay quanh trái đất trong khoảng 90 đến 120 phút (Ảnh: Getty).
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không đứng ngoài cuộc. Trung Quốc lên kế hoạch triển khai hơn 12.000 vệ tinh LEO nhằm cạnh tranh với phương Tây và gia tăng ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), LEO không chỉ cải thiện khả năng kết nối mà còn giúp giảm chi phí, tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai và thúc đẩy phát triển công nghệ không gian.
LEO sẽ tạo nên cuộc cách mạng viễn thông như thế nào?
LEO tạo ra cuộc cách mạng trong việc phủ sóng internet (Ảnh: Getty).
Trong thời đại mà công nghệ thông tin và truyền thông trở thành "xương sống" của mọi hoạt động kinh tế - xã hội, việc đảm bảo kết nối internet ổn định, nhanh chóng và phổ cập là yếu tố sống còn đối với mỗi quốc gia.
LEO, với những ưu điểm vượt trội, đang được xem là giải pháp then chốt trong cuộc đua xây dựng nền kinh tế số và thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực trên thế giới.
Giải pháp cho những "vùng trắng" viễn thông
Hiện nay, nhiều khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và các huyện đảo xa xôi vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận internet. Hạ tầng cáp quang không thể phủ sóng toàn diện do điều kiện địa hình hiểm trở và chi phí đầu tư quá cao.
Với khả năng phủ sóng toàn cầu mà không cần phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng mặt đất, vệ tinh LEO sẽ giúp người dân ở những nơi này tiếp cận mạng internet ổn định và tốc độ cao.
LEO giúp vá những "khoảng trắng" viễn thông ở vùng sâu vùng xa (Ảnh minh họa: Thành Đông).
Điều này giúp xóa bỏ khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, giữa đất liền và hải đảo, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số.
Đáp ứng nhu cầu kết nối chất lượng cao với độ trễ thấp
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu về kết nối tốc độ cao, ổn định và độ trễ thấp là nền tảng không thể thiếu. LEO chính là giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu đó.
Theo ABI Research, vệ tinh LEO hoạt động ở độ cao từ 200km đến 2.000km so với bề mặt trái đất, thấp hơn nhiều so với vệ tinh địa tĩnh (GEO) ở độ cao khoảng 36.000 km.
Vệ tinh LEO, với quỹ đạo bay gần trái đất, giảm độ trễ xuống dưới 27ms - tương đương với mạng cáp quang mặt đất, phù hợp cho các ứng dụng yêu cầu phản hồi thời gian thực như chơi game trực tuyến, hội nghị video và phát sóng trực tiếp.
Điều này không chỉ cải thiện trải nghiệm người dùng trong các hoạt động thường ngày, mà còn mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn cho các ứng dụng công nghệ cao:
- Giáo dục từ xa: Học sinh vùng sâu vùng xa có thể tham gia lớp học trực tuyến chất lượng cao mà không bị gián đoạn.
- Y tế từ xa: Bác sĩ ở thành phố lớn có thể chẩn đoán và hỗ trợ phẫu thuật từ xa cho bệnh nhân ở vùng hẻo lánh.
- Giao dịch tài chính: Doanh nghiệp và người dân có thể thực hiện các giao dịch online mà không lo trễ lệnh, giảm rủi ro tài chính.
- Điều khiển từ xa: Ứng dụng trong nông nghiệp thông minh, vận hành máy móc, quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hỗ trợ ứng phó thiên tai và đảm bảo an ninh thông tin
Thiên tai như bão, động đất, lũ lụt thường phá hủy hạ tầng viễn thông mặt đất, gây gián đoạn thông tin liên lạc vào thời điểm quan trọng nhất.
LEO hỗ trợ đắc lực về kết nối tại những khu vực bị thiên tai tàn phá (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).
Việt Nam, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đã nhiều lần chứng kiến các khu vực bị cô lập thông tin trong những đợt bão lũ lớn.
Trong những trường hợp này, vệ tinh LEO trở thành cứu tinh. Chỉ cần thiết bị thu phát tín hiệu nhỏ gọn, lực lượng cứu hộ, y tế và người dân ở vùng bị ảnh hưởng vẫn duy trì được liên lạc, hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và phân phối hàng cứu trợ. Đây là yếu tố quyết định sự sống còn trong những tình huống khẩn cấp.
Bài toán cần giải để phát triển mạng vệ tinh
Việc triển khai LEO mang lại nhiều lợi ích về kết nối và ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, chi phí đầu tư là một trong những rào cản lớn nhất khiến nhiều quốc gia và doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng khi tham gia vào lĩnh vực này.
Chi phí đầu tư là một trong những rào cản lớn nhất khiến nhiều quốc gia và doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng khi tham gia vào lĩnh vực này (Ảnh: Getty).
Triển khai một hệ thống LEO hoàn chỉnh đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Theo nghiên cứu của Morgan Stanley (2023), chi phí xây dựng một mạng lưới gồm hàng nghìn vệ tinh LEO có thể dao động từ 10 tỷ USD đến 50 tỷ USD tùy vào quy mô và công nghệ được áp dụng. Chẳng hạn:
- Dự án Starlink (SpaceX): Dự kiến tiêu tốn hơn 42 tỷ USD cho việc phóng và duy trì 12.000 vệ tinh hoạt động.
- Dự án Kuiper (Amazon): Được Amazon đầu tư khoảng 10 tỷ USD để triển khai hơn 3.200 vệ tinh.
- OneWeb: Đã chi hơn 6 tỷ USD cho 648 vệ tinh.
Theo ITU Report, chi trả cho việc thuê dịch vụ từ các nhà cung cấp quốc tế ước tính 100-200 triệu USD/năm cho các dịch vụ kết nối vệ tinh.
Bên cạnh chi phí đầu tư ban đầu, các nhà khai thác còn phải đối mặt với chi phí vận hành và bảo trì đáng kể.
"Thách thức của dịch vụ băng rộng dựa trên hệ thống LEO hiện nay là chi phí của các thiết bị đầu cuối tương đối cao so với các nền tảng vệ tinh hoặc mặt đất hiện có. Các nhà khai thác vệ tinh LEO cần tìm cách giảm chi phí thiết bị đầu cuối.
Cần đưa ra các gói dịch vụ với giá cước linh hoạt và phù hợp cho người dùng ở cả các thị trường phát triển và mới nổi. Mặc dù ban đầu có thể phải trợ cấp nhiều cho chi phí phần cứng, nhưng khả năng tăng tỷ lệ chấp nhận của người dùng sẽ giúp phát triển hệ sinh thái và cuối cùng là hạ giá thành phần cứng", nhà phân tích Khin Sandi Lynn của ABI Research nhận định.
Dantri.com.vn
Bình luận (0)