“Nếu có 500 triệu, em sẽ tiết kiệm và đầu tư như thế nào để sinh lời nhiều nhất” là đề bài trong dự án môn Toán mà Trung Kiên tìm hiểu hơn một tháng qua.
Trong buổi báo cáo dự án môn Toán lớp 10 với chủ đề “Tiết kiệm và đầu tư” của trường Phổ thông Dewey (Hà Nội), nhóm của Nguyễn Trung Kiên trình bày trước các thầy cô nhiều kiến thức về tiết kiệm, đầu tư, lạm phát. Phần báo cáo sinh động hơn khi Kiên và bạn diễn một vở kịch, qua các tình huống cho thấy cách đầu tư để sinh lời với 500 triệu đồng, trong 5 năm.
Trong vai người đầu tư chứng khoán ở Mỹ, Kiên đề cập đến tình hình kinh tế ở đây và cách giao dịch trên thị trường. Nam sinh thống kê giá cổ phiếu, biểu đồ, bảng tính toán tiền lãi… để minh họa cho hiệu quả làm ăn. Còn bạn của Kiên đóng vai một nhà đầu tư trong nước, nói về giá vàng, lãi suất ngân hàng hay biến động của một số mã cổ phiếu.
Kiên cho biết có hơn một tháng để tìm hiểu mọi thông tin, thống kê, tính toán rồi lên ý tưởng trình bày. “Ngoài tìm trên mạng, em cũng hỏi thông tin và xin hướng dẫn từ người thân, thầy cô”, Kiên nói.
Sau khi hoàn thành báo cáo, Kiên có thêm kiến thức về đầu tư tài chính, đồng thời hiểu về xác suất, thống kê như yêu cầu trong chương trình môn Toán.
Bùi Ngọc Phương Thy, tỏ ra thích thú với cách học này. “Thay vì bị bó buộc vào những công thức trong sách, chúng em được tư duy, dùng kiến thức Toán một cách thực tế hơn, lại có thêm kiến thức, kỹ năng phân tích tài chính hay thuyết trình, làm việc nhóm”, Thy nói. Nữ sinh cho rằng những dự án học tập kiểu này giúp em hình dung rõ ràng lợi ích của việc học Toán.
Trả lời VnExpress hồi tháng 8, ông Nguyễn Trọng Toán, giáo sư Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), cho rằng thiếu sót trong việc dạy và học Toán ở Việt Nam là không liên kết được lý thuyết, bài tập ở trường với thực tế. Điều này dẫn đến hoài nghi về việc học Toán. Các em chưa tìm thấy sự gắn kết với thực tế nên chưa kích thích được tư duy tự khám phá.
Thầy Vũ Việt Cường, Tổ trưởng tổ Toán trường Phổ thông Dewey, nói Toán được cho là bộ môn khó với nhiều công thức, định lý khô khan. Tất cả giáo viên Toán của trường đau đáu tìm cách nói cho học sinh hiểu “Học Toán để làm gì”, để các em biết học Toán không phải chỉ để cộng – trừ khi mua đồ ngoài chợ. Vì vậy, cả tổ đã đưa ra ý tưởng dạy học qua dự án.
Sau một tháng triển khai, học sinh của thầy Cường thu thập thông tin, tính toán được những đại lượng phức tạp như tỷ số lạm phát, lời lãi, đo lường các rủi ro trong đầu tư.
“Những kỹ năng này nằm trong phần Xác suất – Thống kê, thuộc môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Như vậy, học sinh vừa tiếp nhận kiến thức một cách chủ động, vừa có kỹ năng áp dụng vào thực tế”, thầy Cường nói, cho rằng khi hình dung được lợi ích của việc học Toán, các em sẽ thích thú hơn.
Hiện, một số trường phổ thông, đặc biệt các trường tư thục, đang triển khai cách làm này. Còn trong các trường công lập, nhiều hoạt động cũng được đưa xen kẽ vào bài giảng truyền thống.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi, giáo viên Toán trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng, cho biết cải cách chương trình lần này (chương trình phổ thông mới) cho thấy rất rõ chủ trương đưa Toán vào cuộc sống, nghĩa là vận dụng kiến thức Toán để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
“Đây là xu hướng dạy học chung của thế giới”, ông Thi nói.
Trong chương trình mới, mỗi bài và đơn vị kiến thức đòi hỏi giáo viên phải xây dựng hoạt động phù hợp. Như tại trường Bảo Lộc, một buổi học do thầy Thi đứng lớp thường diễn ra theo trình tự: khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, tìm tòi và mở rộng. Thầy Thi đưa vào các trò chơi, câu chuyện hay hoạt động thực hành nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Theo giáo viên này, các kiến thức như tính thể tích, hàm số, lũy thừa và logarit, tích phân hay bất đẳng thức Cauchy đều có thể gắn với những bài toán thực tiễn, giúp học sinh thấy Toán học rất gần gũi.
“Giáo viên nêu những tình huống xảy ra trong cuộc sống để học sinh tiếp cận và suy nghĩ, từ đó cùng nhau giải quyết các tình huống bằng kiến thức Toán học. Như vậy, các em sẽ vui vẻ, thoải mái khi tiếp nhận kiến thức”, thầy Thi nói.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai ở hầu hết khối lớp (trừ 5, 9 và 12). Với môn Toán, ban soạn thảo xây dựng chương trình trên quan điểm “tinh giản – thiết thực – hiện đại – khơi nguồn sáng tạo”, để học sinh giải quyết được các vấn đề thực tiễn.
Giáo viên Toán một trường THCS ở Hà Nội nhận định việc dạy Toán qua dự án, trò chơi là cách làm hiệu quả để đạt được mục tiêu trên. Tuy nhiên, không phải nhà trường, giáo viên nào cũng muốn áp dụng cách dạy mới. Giáo viên này cũng cho rằng nếu chưa đổi mới thi cử, việc học Toán theo kiểu cũ, chú trọng giải bài tập, thậm chí là các bài toán mẹo vẫn là chủ yếu.