Bà mẹ ba con Stella Sibonga muốn kết thúc cuộc hôn nhân mà mình chưa từng muốn, nhưng ly hôn ở Philippines bị coi là phạm pháp.
Philippines là nơi duy nhất ngoài Vatican cấm ly hôn. Tại quốc gia đa số người dân theo Công giáo, Giáo hội Công giáo, bên có ảnh hưởng lớn tới xã hội, phản đối ly hôn bởi vi phạm giáo lý.
Những người ủng hộ ly hôn cho rằng việc cấm đoán khiến họ không thể thoát khỏi người bạn đời bạo hành, ngăn cản vợ chồng cắt đứt quan hệ và tái hôn.
Thủ tục pháp lý chậm chạp và tốn kém, có vụ mất tới 10.000 USD và không có gì đảm bảo sẽ thành công. “Tôi không hiểu tại sao lại khó khăn thế”, Sibonga, 45 tuổi, người đã dành 11 năm cố gắng thoát khỏi cuộc hôn nhân do bố mẹ ép buộc, nói.
Hiện tại, người muốn ly hôn có thể yêu cầu tòa án hủy hôn ước, tức là tuyên bố đám cưới không hợp lệ ngay từ đầu, nhưng chính quyền có thể kháng cáo phán quyết.
Cuộc chiến pháp lý của Sibonga bắt đầu năm 2012, khi cô đệ đơn lên tòa án yêu cầu hủy bỏ hôn nhân với lý do chồng “mất năng lực tâm lý”. Sau 5 năm và tốn 3.500 USD, một phẩm phán cuối cùng đồng ý. Tuy nhiên, Sibonga chỉ nhẹ nhõm trong thời gian ngắn.
Cơ quan Tổng luật sư, đại diện pháp lý của chính phủ được giao nhiệm vụ bảo vệ thể chế hôn nhân, đã kháng cáo thành công phán quyết hủy hôn năm 2019. Sibonga yêu cầu tòa phúc thẩm đảo ngược quyết định ấy và tới nay vẫn chờ câu trả lời.
“Tại sao chúng tôi, những người đau khổ, bị ruồng rẫy và bạo hành, lại bị luật pháp trừng phạt?” Sibonga, 45 tuổi, nói. “Tất cả những gì chúng tôi muốn là tự do”.
Giáo hội Công giáo, nơi phản đối phá thai và sử dụng biện pháp tránh thai, là tổ chức quyền lực nhất phản đối ly hôn ở Philippines. Theo dữ liệu điều tra dân số, khoảng 78% trong số 110 triệu dân của đất nước theo Công giáo. Nhiều chính trị gia muốn tránh mâu thuẫn với giáo hội về các vấn đề xã hội nhạy cảm.
Nhưng quốc hội đã đạt được một số thay đổi quan trọng trong những năm gần đây. Luật kiểm soát sinh đẻ được thông qua năm 2012 bất chấp giáo hội phản đối. Năm 2018, các đảng lớn và đảng đối lập trong Hạ viện đã thông qua dự luật cho phép ly hôn dù sau đó nó bị đình trệ tại Thượng viện. Đây là lần đầu một dự thảo ly hôn đi xa đến thế.
Khảo sát do công ty thăm dò ý kiến Social Weather Stations thực hiện cho thấy thái độ của người Philippines đối với ly hôn đã thay đổi. Năm 2005, 43% người Philippines ủng hộ hợp pháp hóa ly hôn với “những đôi vợ chồng ly thân không thể hòa giải”, trong khi 45% không đồng ý. Khảo sát năm 2017 cho thấy 53% ủng hộ, 32% phản đối.
Một nhóm các nhà lập pháp đang tiến hành các nỗ lực mới để hợp pháp hóa ly hôn, họ đã trình một số dự luật lên Hạ viện và Thượng viện. Nghị sĩ Edecl Lagman, người soạn một dự luật, nhấn mạnh “chúng tôi không phá hoại bất kỳ cuộc hôn nhân nào”.
“Ly hôn dành cho những cuộc hôn nhân đã rối loạn đến mức không thể sửa chữa” và hợp pháp hóa ly hôn sẽ giúp phụ nữ và con cái thoát khỏi “người chồng bạo hành”, Lagman nói.
Trước khi đắc cử, Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr tuyên bố Philippines nên cân nhắc cho phép ly hôn, nhưng khẳng định điều này không dễ dàng. Thủ tục pháp lý phức tạp, thời gian chờ đợi lâu, làm nảy sinh những vụ lừa đảo trên mạng với quảng cáo giúp hủy hôn nhanh chóng mà không cần ra tòa.
Một nạn nhân cho biết bị lừa 2.400 USD. Cô đang cân nhắc chuyển sang đạo Hồi để được ly hôn theo luật Hồi giáo.
“Tôi thực sự đang thử mọi cách để được một lần nữa làm người độc thân”, cô nói. “Việc ly hôn quá mất thời gian, tốn kém và không có gì chắc chắn, nên tôi đang tìm cách khác dễ dàng hơn”.
Katrina Legarda, chuyên gia luật gia đình, cho hay số lượng người bị lừa cho thấy “nhu cầu cấp thiết” cần ra luật mới. Nhưng Cha Jerome Secillano từ Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines cho rằng đất nước nên tự hào là quốc gia duy nhất ngoài Vatican “giữ quan điểm hôn nhân truyền thống”.
“Không có mối quan hệ nào là hoàn hảo”, ông nói. Secillano cho hay ly hôn người bạn đời bạo hành sẽ “nuôi dưỡng bạo lực” bởi thủ phạm sẽ tiếp tục bạo hành người phối ngẫu tiếp theo. “Đó không phải là cách trị tận gốc”, ông nói.
Sibonga theo Công giáo nhưng đã dừng đi lễ. Cô có bạn trai đã lâu nhưng không thể kết hôn với anh tới khi cuộc hôn nhân đầu kết thúc hợp pháp.
“Người ta cho rằng về mặt pháp luật, tôi vẫn là người đã có chồng, nên tôi phạm tội ngoại tình”, cô nói. “Họ tin rằng những gì Chúa đã thắt dây liên kết không được phép tách rời. Có thật không? Ngay cả khi chồng cố giết bạn, ngay cả sau tất cả những gì anh ta đã làm, vẫn không được phép ly hôn?”.
Sibonga cho hay mối quan hệ với chồng từng khiến cô trầm cảm và hai lần định tự tử. Cô không muốn con mình kết hôn tới khi ly hôn được hợp pháp hóa.
“Tôi nói với các con rằng có thể sống chung, sinh con tùy thích, nhưng tôi sẽ không bao giờ đồng ý cho các cháu kết hôn”, cô nói. “Tôi chỉ không muốn các cháu có kết cục như tôi”.
Hồng Hạnh (Theo AFP)