Tôi 28 tuổi, thường đau nhức vùng ngực vào kỳ kinh nguyệt, mỗi đợt kéo dài 1-2 tuần. Đây có phải dấu hiệu của ung thư vú? (Ngọc Huyền, Bến Tre)
Trả lời:
Đau ngực là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ, xảy ra với các mức độ từ nhẹ, trung bình đến nặng, đa số tự khỏi, chỉ khoảng 15-25% trường hợp cần điều trị. Đau ngực được phân thành ba nhóm gồm liên quan chu kỳ kinh, không liên quan chu kỳ kinh và do nguyên nhân bên ngoài ngực. Trong đó, đau ngực liên quan chu kỳ kinh nguyệt là nguyên nhân hàng đầu.
Tình trạng này có thể do thay đổi nội tiết, thường xuất hiện khoảng một tuần trước khi hành kinh. Triệu chứng thường xuất hiện ở hai bên ngực, vị trí đau phổ biến là 1/4 phía trên góc ngoài ngực (vùng gần nách). Đau ở mức độ nhẹ biểu hiện là hai ngực hơi căng tức, to hơn bình thường, đau khi chạm. Trường hợp đau dữ dội ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Một số người đau ngực kéo dài đến sau khi sạch kinh nhiều ngày, số khác chỉ thoáng qua. Thời điểm này, nếu chạm vào ngực có cảm giác như có nhiều khối u gây lo lắng. Tuy nhiên, các khối này thường biến mất sau khi hết kinh. Trường hợp sạch kinh mà khối u ở ngực vẫn còn, bạn nên đến bác sĩ khám để tìm nguyên nhân.
Ung thư vú có triệu chứng đau ngực nhưng thường xuất hiện ở giai đoạn muộn và có các triệu chứng khác trước khi cơn đau xuất hiện. Một dạng ung thư vú ít gặp là ung thư vú dạng viêm, biểu hiện sưng đỏ, dày da bề mặt và đau tại một vị trí ở một bên ngực.
Đau ngực liên quan chu kỳ kinh thường không phải dấu hiệu của ung thư vú, nhưng bạn nên đi khám ngực để loại trừ khối u ác tính.
Người dùng thuốc ngừa thai, thuốc kích nang trứng điều trị hỗ trợ sinh sản, thuốc nội tiết thay thế hậu mãn kinh và một số thuốc điều trị khác như viêm dạ dày, tim mạch, mất ngủ… cũng có thể đau ngực do thay đổi nồng độ hormone.
Để giảm đau, phụ nữ nên mặc áo ngực vừa vặn, chườm ấm hoặc chườm mát. Giảm lượng caffeine có trong cà phê, soda, nước tăng lực, dùng ít muối để tránh cơ thể giữ nước, không thức khuya. Phụ nữ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn lo âu, mất ngủ nên tái khám và điều trị bệnh để cải thiện đau ngực.
Chế độ ăn nhiều chất béo có thể gây đau ngực theo chu kỳ. Do đó, giảm lượng chất béo trong chế độ ăn uống giúp cải thiện tình trạng này. Nên thiền, thư giãn để cải thiện các triệu chứng khó chịu, bứt rứt; tránh chạy, nhảy gây đau ngực nặng hơn.
Nếu cơn đau ngực không cải thiện hoặc kèm theo bất kỳ dấu hiệu bất thường như loét nhũ hoa, tiết dịch nhũ hoa, khối u bất thường…, bạn nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa vú để khám. Tùy thuộc vào triệu chứng, mức độ, tuổi tác và sức khỏe, bác sĩ điều trị phù hợp.
BS.CKI Trần Thị Ngọc Bích
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |