Anh Nguyễn Văn Mạnh (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) hỏi: Bác sĩ cho biết dấu hiệu để phát hiện trẻ tự kỷ? Việc điều trị cho trẻ tự kỷ bằng châm cứu có hiệu quả không và cần thực hiện việc điều trị cho trẻ thời điểm nào thì đạt hiệu quả tốt nhất?
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Trưởng khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết, có 3 biểu hiện để có thể phát hiện trẻ bị tự kỷ:
Biểu hiện thứ nhất là thiếu hụt kỹ năng tương tác xã hội, các bé không tham gia trò chơi nhóm, thường tìm góc khuất và tự chơi một mình. Trẻ có dấu hiệu tự kỷ thường không tập trung, không có tương tác với người đang giao tiếp với mình, không giao tiếp bằng mắt, hầu như không có biểu cảm trên khuôn mặt.
Biểu hiện thứ hai là trẻ tự kỷ có bất thường về ngôn ngữ và giao tiếp. Ví dụ, khi trẻ 1 tuổi thường đã nói được một vài từ đơn, nhưng trẻ tự kỷ 2-3 tuổi cũng chưa nói được từ nào. Trẻ có cách nói bất thường như phát âm vô nghĩa, nói một mình, nhại lời, nhại quảng cáo, trẻ có ngôn ngữ thụ động, chỉ nói khi có nhu cầu cần thiết như đòi ăn, đòi đi chơi…
Can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Đơn vị âm ngữ trị liệu-Phòng khám Đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thông qua trò chơi. Ảnh minh họa: TTXVN |
Biểu hiện thứ ba là rối loạn hành vi. Hầu hết các trẻ bị tự kỷ đều bị rối loạn về hành vi như tăng động, quay đầu, chạy vòng tròn, đi kiễng chân, nhìn tay, cử động ngón tay, nghiêng đầu nhìn, cho tay vào miệng, không biết tránh nguy hiểm. Ngoài ra trẻ có thể có một số rối loạn khác như dễ kích động, cáu gắt, ăn vạ, đập đầu, cắn hoặc đánh người…
Những trẻ bị tự kỷ thường có tiền sử sản khoa, mà yếu tố đầu tiên là tuổi bố mẹ, nhất là tuổi mẹ càng cao thì khả năng con bị tự kỷ cũng cao; hay cháu đẻ thiếu tháng, đẻ bị ngạt, hoặc trong quá trình nuôi bị chấn thương. Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tự kỷ nhưng việc thay đổi trong một số gen nhất định làm tăng nguy cơ trẻ phát triển chứng tự kỷ. Nếu cha hoặc mẹ mang một hay nhiều thay đổi gen này, chúng có thể được truyền sang con. Ngoài ra, một số yếu tố làm gia tăng chứng tự kỷ là xem quá nhiều ti vi, máy tính, điện thoại thông minh…
Nghi ngờ trẻ mắc bệnh tự kỷ, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ cần tìm đến bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn. Việc khám, chữa bệnh tự kỷ cho trẻ sớm sẽ giúp hoạt động của trẻ sau này trở nên tốt hơn và phát triển hơn. Tùy từng mức độ, tình trạng của bệnh mà mỗi bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị khác nhau. Các trẻ tự kỷ do đều có khiếm khuyết ở não bộ, nên các bác sĩ sẽ phải điều trị ở não trước. Đông y chủ yếu sẽ dùng châm cứu, thủy châm để “khai khiếu, tỉnh thần” (nói được và tỉnh táo thần trí), kết hợp với can thiệp ngôn ngữ thì hiệu quả rất cao. Để chữa trị ở não, các bác sĩ cho thủy châm thuốc bổ não, thủy châm vitamin vào các huyệt, chỉ sau 1-2 liệu trình (3 tuần/liệu trình) là có hiệu quả. Tùy theo từng bệnh nhân mà bác sĩ châm cứu nhóm huyệt khai khiếu và tỉnh thần. Sau khi được châm cứu, thủy châm, bấm huyệt, trẻ được giáo dục, can thiệp ngôn ngữ và vận động 30-60 phút/ngày, tùy theo khả năng nhận thức của từng trẻ, nhằm điều chỉnh hành vi, ngôn ngữ và giác quan cho trẻ.
Điều trị cho trẻ tự kỷ trước 3 tuổi là tốt nhất. Nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời, việc hình thành cho trẻ những kỹ năng thiếu hụt sẽ dễ dàng hơn, nâng cao khả năng hòa nhập của trẻ. Những rối loạn chức năng phức tạp biểu hiện của trẻ tự kỷ được bộc lộ ra trong 3 năm đầu đời, chính vì vậy việc phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường trong giai đoạn này hoàn toàn nằm trong khả năng của cha mẹ, chỉ cần cha mẹ chú ý quan sát trẻ. Nếu trẻ bị phát hiện muộn và can thiệp muộn sẽ mất đi nhiều cơ hội hòa nhập cuộc sống.
Các thắc mắc về sức khỏe xin được gửi về Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: [email protected], [email protected]. Điện thoại: 0243.8456735. |