Nỗi lòng của người làm cha, mẹ
Mới đây, dư luận không khỏi bất bình trước hình ảnh đứa trẻ tự kỷ bị cô giáo kéo tóc, đánh đập tại Viện Nghiên cứu tâm lý – giáo dục đặc biệt chi nhánh Cầu Vồng Sơn Trà (TP Đà Nẵng).
Vụ việc được chính vị phụ huynh có con bị bạo hành đăng tải lên mạng xã hội. Sau khi các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc điều tra, UBND quận Sơn Trà cho biết, Viện Nghiên cứu Tâm lý – Giáo dục đặc biệt – Chi nhánh Cầu Vồng Sơn Trà ở số 83 đường Tôn Quang Phiệt (nơi xảy ra vụ việc bảo mẫu bạo hành trẻ tự kỷ), chưa được cấp phép hoạt động.
Thông qua mạng xã hội và báo chí, nhiều phụ huynh có con học tại cơ sở này đã bày tỏ sự bất bình. Một phụ huynh trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, có con bị tự kỷ theo học tại cơ sở nói trên cho hay: Trẻ khuyết tật không thể tự bảo vệ bản thân khi bị bạo hành. Sau vụ việc này, gia đình tôi không dám đưa con đi học ở bất cứ trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ nào nữa. Vì nếu tiếp tục đi học không biết liệu con có bị bạo hành hay không? Sự việc xảy ra ở Viện Nghiên cứu tâm lý – giáo dục đặc biệt – Chi nhánh Cầu Vồng Sơn Trà khiến tôi và rất nhiều phụ huynh bức xúc.
Cùng cảnh ngộ có con tự kỷ, những ngày gần đây, vợ chồng chị Lê Thị Thu Thùy (Mỹ Đình, Hà Nội) hỏi khắp những người quen, tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội về các nơi can thiệp trẻ tự kỷ chất lượng. Chị Thùy cho biết, con chị hiện gần 3 tuổi nhưng không chịu nói, chỉ thỉnh thoảng nói được 1-2 từ. Trước đây, do phải đi làm ăn xa, vợ chồng chị gửi con ở nhà với bà ngoại nên không thường xuyên theo sát con được. Thấy nhiều người khuyên đưa con đi khám, chị mới vội về quê đón con lên Hà Nội.
“Nghe thông tin có trẻ tự kỷ bị bạo hành, chúng tôi cũng lo lắng. Nhưng nếu không cho con đi can thiệp thì nguy cơ ảnh hưởng cũng rất cao. Gia đình sẽ tìm hiểu kỹ nơi gửi con để con có thể nhanh chóng hòa nhập được. Biết là chăm sóc những đứa trẻ đặc biệt khá vất vả, nhưng khi xác định nhận công việc này các cô phải chuẩn bị tâm lý và tìm hiểu tâm lý từng đứa trẻ. Phụ huynh tin tưởng vào trung tâm, nghĩ rằng các cô sẽ yêu thương và biết cách dạy dỗ con thì mới cho con theo học. Đổi lại, các cô đối xử như thế, thật quá tàn nhẫn” – chị Thùy chia sẻ.
Chú trọng tuyển dụng giáo viên dạy trẻ tự kỷ
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia tâm lý – PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, tự kỷ là một trong những dạng khuyết tật ở trẻ em, đặc trưng bởi khó khăn trong tương tác xã hội; giao tiếp bằng lời và không lời, hành vi định hình lặp lại. Trong đó: Khó khăn trong tương tác xã hội thể hiện qua việc không đáp ứng qua lại, không chơi tương tác đóng vai, không bắt chước, không hứng thú chơi với trẻ cùng tuổi, không đòi hỏi người lớn chú ý;
Khó khăn về giao tiếp thể hiện qua việc: Không giao tiếp để hướng sự chú ý của người khác. Ít hoặc không dùng cử chỉ điệu bộ, ít hoặc không tương tác mắt. Không đáp ứng với âm thanh, gọi tên. Không nói câu 2 từ ở 24 tháng. Có ngôn ngữ sau đó bị mất đi.
Còn khó khăn trong hành vi định hình thể hiện qua việc: Không biết chơi đóng vai, tưởng tượng. Cháu luôn chơi một mình, chơi lặp đi lặp lại một trò chơi theo những cách thức không giống ai…
Chính vì những khó khăn như vậy, không ý thức rõ những gì xảy ra, không thể nói, không biết bày tỏ nỗi sợ hãi, hành vi lặp đi lặp lại kỳ quặc khiến người khác khó chịu và nổi nóng. Trong khi đó kỹ năng tự vệ hạn chế nên các em dễ bị hiểu lầm, dễ bị bạo lực và xâm hại từ những người xung quanh.
Theo ông Nam, khi những người chăm sóc có hành vi bạo lực với trẻ sẽ gây ra các tổn thương nghiêm trọng. Các em tổn thương tâm lý dẫn đến lo lắng sợ hãi, trở nên hoảng hốt, tấn công cha mẹ vì sợ đến trường, sợ đến gặp giáo viên.
Để giảm thiểu được nguy cơ trẻ tự kỷ bị bạo hành, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh, điều cần làm là chú trọng đến việc tuyển dụng giáo viên dạy trẻ tự kỷ. “Các trung tâm tuyển dụng giáo viên dạy trẻ tự kỷ phải rất cân nhắc đến cả khía cạnh năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, để có thể đảm bảo sự an toàn cho trẻ tự kỷ trong quá trình chăm sóc và giáo dục”, ông Nam nói.
“Những năng lực tối thiểu mà giáo viên cần có để làm việc hiệu quả với trẻ tự kỷ là kiến thức về đặc điểm, nguyên nhân, các biểu hiện của trẻ tự kỷ, vận dụng được các phương pháp can thiệp hiệu quả dựa trên bằng chứng khoa học, có khả năng lập kế hoạch giáo dục cá nhân và triển khai kế hoạch đó”.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, giáo viên cũng phải có khả năng quản lý hành vi không phù hợp, sửa lỗi hành vi áp dụng kỷ luật tích cực. Ngoài ra, giáo viên cũng cần có kỹ năng giảng dạy hiệu quả, kỹ năng phối hợp làm việc với các chuyên gia như bác sĩ tâm lý và nguyên gia âm ngữ trị liệu, huấn luyện và lôi kéo cha mẹ tham gia quá trình giáo dục.
Bên cạnh những năng lực, giáo viên giáo dục trẻ tự kỷ còn rất cần những phẩm chất như kiên nhẫn, yêu thương, và vị tha với trẻ, nhiệt tình đam mê với công việc dạy trẻ tự kỷ và có khả năng thích ứng linh hoạt với tính khí của từng trẻ…
PGS.TS Trần Thành Nam