Bên cạnh dấu hiệu đau thắt ngực thường gặp, bệnh nhân nhồi máu cơ tim còn xuất hiện các triệu chứng khó thở, chóng mặt, vã mồ hôi, nôn ói.
Nhồi máu cơ tim là tình trạng dòng máu đến cơ tim bị tắc đột ngột gây tổn thương mô cơ tim. Đây thường là kết quả của sự tắc nghẽn ở một hoặc nhiều động mạch vành. Tắc nghẽn xảy ra do cục máu tạo lập trên mảng xơ vữa động mạch vành bị vỡ hay nứt.
ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết những biểu hiện thường thấy nhất ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim gồm:
Đau ép dữ dội ở ngực: Người bệnh có cảm giác đau tức, đè nặng, xoắn vặn trong lồng ngực, sau xương ức hoặc ngực trái, mức độ nặng, xảy ra khi ngồi nghỉ, kéo dài trên 15 phút, đau lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Mức độ đau không giảm khi ngậm hay xịt thuốc nitrate.
Buồn nôn, khó tiêu, đau bụng: Cơn đau ở vị trí thượng vị (trên rốn) kèm theo biểu hiện nôn ói từng đợt, có thể cảm thấy khó tiêu hoặc ợ chua.
Khó thở, vã mồ hôi, mệt mỏi, chóng mặt, thay đổi tri giác, ngất hoặc tụt huyết áp dưới 90/60 mmHg.
Bên cạnh các dấu hiệu kể trên, bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp còn có triệu chứng yếu, liệt tay chân; đổ mồ hôi lạnh; tim đập nhanh, cảm giác khó chịu khi nhịp tim bỏ nhịp hoặc thêm nhịp.
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần bằng các dấu hiệu đặc trưng như đau thắt ngực tái phát, đau vùng ngực khi hoạt động thể lực, cơn đau giảm khi nghỉ ngơi.
Hầu hết các cơn nhồi máu cơ tim đều để lại biến chứng từ nhẹ (nếu được điều trị kịp thời) đến nặng (đối với trường hợp xử lý chậm). Những biến chứng này thường là rối loạn nhịp tim, suy tim, có thể ngưng tim do rối loạn nhịp, vỡ tim, huyết khối trong vùng tim, túi phình…
Tùy thuộc vào mức độ của cơn nhồi máu cơ tim, bác sĩ chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp.
Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc thường được kê toa là aspirin, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc giảm đau morphin, nitroglycerine, ức chế beta, ức chế men chuyển, ức chế thụ thể, statin.
Đặt stent động mạch vành: Bác sĩ dùng một ống thông nhỏ, dài, mềm được luồn từ động mạch quay hoặc động mạch đùi hướng vào động mạch vành. Bác sĩ nhìn thấy vị trí tắc và đặt stent vào đây. Stent bung ra, mạch máu được mở rộng, giúp dòng máu lưu thông bình thường.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Bác sĩ lấy một đoạn mạch máu từ bộ phận khác của cơ thể, làm cầu nối phía trước và phía sau chỗ tắc, giúp máu đi qua chỗ cầu nối mới.
Bác sĩ Kiều khuyến cáo có thể ngăn ngừa cơn nhồi máu cơ tim bằng chế độ ăn tốt cho sức khỏe tim mạch như tăng cường các loại ngũ cốc, rau xanh và trái cây, protein nạc; hạn chế đường, chất béo bão hòa, chất béo trans, cholesterol xấu. Xây dựng lối sống lành mạnh như tập thể dục đều đặn, giảm stress, tránh xa thuốc lá. Duy trì cân nặng ổn định, tránh thừa cân hoặc béo phì.
Nên ổn định huyết áp, đường huyết; kiểm soát và điều trị các bệnh lý là yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim như đái tháo đường, cholesterol cao. Kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ để phát và xử trí kịp thời các bất thường của tim.
Hạ Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |