Vị trí gân bị tổn thương gây đau, đỏ nhẹ hoặc sưng nề, là dấu hiệu viêm gân, viêm màng gân.
Gân là các sợi mô dày và dai được tạo thành bởi collagen, kết nối cơ và xương, giúp vận động khớp thông qua co cơ.
ThS.BS.CKI Lê Văn Minh Tuệ, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viêm gân là tình trạng phổ biến, thường không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, một số người dễ mắc bệnh hơn, bao gồm người lớn tuổi vì các mạch máu nuôi gân giảm; các vi chấn thương lặp lại, chấn thương hoặc căng cơ quá mức do tập thể dục sai cách; mắc các bệnh lý hệ thống như viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì hệ thống, gout, viêm khớp phản ứng, tiểu đường… Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ rách gân, mất chức năng khớp.
Viêm gân có thể xảy ra tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường gặp ở vai, cổ tay, đầu gối, gót chân.
Dưới đây là các triệu chứng điển hình của một số dạng viêm gân thường gặp.
Viêm điểm bám gân là tình trạng viêm, sưng quanh vị trí bám vào xương của gân, bao gân, dây chằng. Người bệnh cảm thấy đau ở vị trí bị tổn thương, mức độ đau tăng lên khi vận động, đau tại chỗ hoặc lan rộng ra vùng cơ có gân bị viêm, làm hạn chế vận động. Quanh vùng đau có thể sưng, nóng hoặc sờ thấy các cục u nhỏ nổi dọc trên gân.
Viêm bao gân gấp các ngón tay còn gọi là ngón tay lò xo hoặc ngón tay cò súng. Tình trạng này thường gây đau ở lòng bàn tay, gần vị trí nối giữa bàn tay và các ngón tay, đau tăng khi ấn vào và đôi khi có nốt nhỏ xuất hiện trên gân. Ngón tay bị ảnh hưởng thường ở tư thế gấp nhẹ để giảm đau.
Trong giai đoạn muộn, người bệnh phải dùng lực mới có thể duỗi ngón tay ra được, nếu không ngón tay sẽ gập lại, tạo nên hiện tượng ngón tay bật.
Viêm gân gót Achille thường xảy ra khi gân gót chân hoạt động quá mức, bị quá tải và tổn thương. Lúc này, vùng gót chân của người bệnh sưng đau, nhất là khi căng gót hoặc đứng nhón chân. Người bệnh ấn vào vùng gót chân sẽ cảm thấy đau, có thể nổi cục.
Bác sĩ Tuệ cho biết viêm gân thường không nguy hiểm và có thể điều trị bảo tồn. Trong 48 giờ đầu tiên kể từ khi xuất hiện các triệu chứng, người bệnh nên nghỉ ngơi và chườm lạnh để giảm viêm và sưng đau. Nếu cần thiết, người bệnh có thể sử dụng thêm các loại thuốc giảm đau, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh viêm gân mạn tính cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu nhằm kéo giãn gân bị viêm, hỗ trợ cơ chế trượt của gân. Các bài tập này giúp kéo giãn gân để gân được nghỉ ngơi và tự phục hồi.
Người bệnh cần tránh các bài tập co cơ chủ động ở gân bị ảnh hưởng để không làm nặng thêm tình trạng viêm. Giai đoạn hồi phục có thể kéo dài 2-3 tháng tùy theo mức độ tổn thương của gân. Một số trường hợp không đáp ứng thuốc uống có thể kết hợp thuốc tiêm tại chỗ trong bao gân (corticoid, HA, PRP…).
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng, được áp dụng khi vật lý trị liệu và điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả. Bác sĩ loại bỏ canxi lắng đọng ở gân và màng gân viêm mạn tính, sửa chữa gân, sau đó hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu cho người bệnh.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |