Thoái hóa khớp gây đau nhức, cứng khớp, phát ra tiếng lạo xạo khi cử động, nếu không điều trị dễ dẫn tới teo cơ.
Thoái hóa khớp không chỉ là bệnh của người già mà ngày càng phổ biến ở nhiều nhóm người. Người làm việc tay chân thường xuyên, tập luyện thể thao ở cường độ cao, tiền sử chấn thương, dị dạng bẩm sinh hoặc biến dạng sau khi gặp chấn thương, thừa cân, béo phì… dễ bị thoái hóa khớp.
PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết không thể chữa dứt điểm thoái hóa khớp, nhưng phát hiện và điều trị đúng cách giúp kiểm soát, giảm ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.
Thoái hóa có thể tác động đến mọi khớp trên cơ thể, trong đó đầu gối, cột sống, háng, ngón tay, cổ chân… chịu nhiều ảnh hưởng. Bệnh thường phát triển chậm và tăng nặng theo thời gian, các triệu chứng thường gặp nhất là đau nhức, cứng khớp, teo cơ.
Đau nhức trong hoặc sau khi vận động: Cơn đau có xu hướng âm ỉ và biến mất khi người bệnh không hoạt động. Nếu không điều trị kịp thời, đau ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Cứng khớp: Triệu chứng thường xuất hiện sau khi người bệnh thức dậy hoặc sau một thời gian không vận động, di chuyển. Cứng khớp có thể đi kèm những cơn đau.
Khớp kêu khi di chuyển: Người bệnh có thể cảm thấy nóng ran và nghe tiếng lộp cộp hoặc lạo xạo khi cử động.
Teo cơ, sưng tấy: Thoái hóa khớp kéo dài thường dẫn đến sưng tấy, làm biến dạng các khớp và vùng cơ xung quanh. Nếu không vận động trong thời gian dài gây teo cơ, đầu gối bị lệch khỏi trục.
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu bệnh. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần ăn uống lành mạnh, hạn chế thực phẩm nhiều đường, nhiều muối, chế biến sẵn…. Tập thể dục thường xuyên giúp cơ bắp chắc khỏe, kiểm soát cân nặng, giảm áp lực lên đầu gối, hông và lưng dưới.
Chườm nóng hoặc lạnh lên khớp 2-3 lần một ngày để giảm đau. Uống thuốc theo hướng dẫn bác sĩ cả khi triệu chứng đã giảm. Khám sức khỏe định kỳ, đến gặp bác sĩ nếu bệnh nặng hơn hoặc xuất hiện bất thường.
Người mắc bệnh mạn tính như thoái hóa khớp nên tiêm phòng cúm, phế cầu hàng năm để bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lý này.
Bác sĩ Hồng Hoa cho biết khi phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc khớp tổn thương nghiêm trọng, người bệnh có thể được chỉ định thay khớp. Phẫu thuật tái tạo có thể áp dụng với hầu hết khớp như gối, háng, ngón tay… Khớp nhân tạo được làm từ các vật liệu y sinh, tuổi thọ 15-20 năm hoặc hơn. Phẫu thuật cải thiện đáng kể triệu chứng, tăng khả năng vận động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Độc giả có thắc mắc về bệnh xương khớp gửi câu hỏi tại đây để bác sĩ giải đáp.
Phi Hồng