Ba vở diễn: “Ám ảnh” (Sân khấu Thế Giới Trẻ), “Khách sạn Hào Hoa” và “Bên cầu dệt lụa” (Nhà hát Trần Hữu Trang) ra mắt khán giả trong tháng 12-2023 đều do NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng. Trong đó, 2 kịch bản cải lương kinh điển “Khách sạn Hào Hoa” và “Bên cầu dệt lụa” dù đã được làm mới nhưng phiên bản 2023 vẫn mang dấu ấn riêng biệt, chinh phục được khán giả.
Thành quả nghề nghiệp đáng nể
Hơn 40 năm gắn bó với sân khấu, ước tính NSND Trần Ngọc Giàu đã đạo diễn hơn 250 vở thuộc nhiều thể loại: cải lương, hát bội, kịch, chèo… Hiện ông vẫn sung sức, tài hoa song trĩu nặng nỗi niềm về diện mạo sân khấu khi sắp bước vào năm 2024 đầy khó khăn.
Bên cạnh nghề đạo diễn sân khấu, NSND Trần Ngọc Giàu còn tham gia lĩnh vực giáo dục. Sau khi tốt nghiệp khóa 2 lớp đạo diễn Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP HCM), ông được giữ lại giảng dạy. Ông đã góp phần đào tạo nhiều học trò giỏi như: NSND Hồng Vân, NSƯT Trọng Nam, đạo diễn Tôn Thất Cần, nghệ sĩ Quốc Thảo, Phước Sang, Mai Dũng, Phương Bình, Đình Toàn…
Hầu hết học trò do NSND Trần Ngọc Giàu hướng dẫn đều có kỹ năng ở vai trò tổng chỉ huy tất cả các khâu sáng tạo của vở diễn. “Thầy đã hướng dẫn chúng tôi cái nhìn tổng thể và biết cách xâu chuỗi toàn bộ đường dây diễn biến của tác phẩm. Do vậy, mỗi cảnh diễn, từ trang trí cho đến bố cục, đều toát lên ý nghĩa mà tác phẩm muốn phản ánh” – NSND Hồng Vân bày tỏ.
Những người trong giới cho biết NSND Trần Ngọc Giàu đã đọc rất nhiều. Ông tìm hiểu, nghiên cứu nhiều thông tin về văn học, lịch sử để tự nâng cao hiểu biết. Ông cũng luôn nhắc nhở, kêu gọi học trò phải mạnh dạn dấn thân, vượt khỏi giới hạn an toàn để ngày càng nâng cao năng lực chuyên môn, uy tín nghề nghiệp.
NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét thành quả nghề nghiệp của NSND Trần Ngọc Giàu thật đáng nể. Ông đóng dấu thương hiệu qua sự dung dị nhưng rất trữ tình, sâu lắng. Sau vở kịch đầu tay “Những khoảnh khắc còn lại” (dựa theo tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn) được HTV phát sóng, ông vụt sáng, không chỉ làm công tác chuyên môn giỏi mà làm công tác quản lý cũng tận tâm.
Chăm chút thế hệ trẻ
Theo các nhà chuyên môn, một trong những vai trò vô cùng quan trọng đối với chất lượng nghệ thuật của vở diễn là khâu đạo diễn.
Sân khấu TP HCM trong bối cảnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó nhất là tình trạng bất cập trong việc xây dựng đội ngũ đạo diễn kế thừa. “Thế hệ đạo diễn trẻ hiện nay có thể nói vẫn chưa đủ khả năng đưa sân khấu thoát khỏi tình trạng khủng hoảng” – NSƯT Ca Lê Hồng tâm tư.
Có lẽ NSND Trần Ngọc Giàu đã thấy và hiểu được nỗi niềm trăn trở nêu trên của những đồng nghiệp tâm huyết với sân khấu. Với vai trò Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, ông đã tiên phong thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sân khấu. Một lớp đào tạo đạo diễn trẻ đã được mở. Trong những buổi lên lớp, ông đã “trút hết ruột gan”, vốn liếng, kinh nghiệm sân khấu của mình để trao truyền cho lớp trẻ.
“Nếu không làm ngay thì sẽ không kịp có thế hệ kế thừa. Tôi cứ canh cánh nỗi lo này và quyết định xắn tay áo thực hiện, xem như đó là trách nhiệm của người thầy, người đi trước đối với những đạo diễn trẻ và với nghiệp sân khấu” – NSND Trần Ngọc Giàu tâm huyết.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết ông đang nỗ lực trao truyền kinh nghiệm cho các thế hệ tiếp nối (diễn viên và đạo diễn). “Kỳ vọng các bạn trẻ sẽ có sự bứt phá, thể hiện tốt về chuyên môn tại Liên hoan Sân khấu TP HCM năm 2024 – một sân chơi dành ưu tiên cho những tác phẩm mới” – ông tin tưởng.
NSND Trần Ngọc Giàu còn chăm chút cả khâu sáng tác. Theo chân “Trại sáng tác kịch bản sân khấu” do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức tại Đà Lạt tháng 6-2023, chúng tôi đã chứng kiến ông đọc rất kỹ và góp ý đầy trách nhiệm đối với tất cả 21 kịch bản được chọn tham dự.
Tác giả Trần Văn Hưng cảm phục: “Qua mỗi góp ý của anh Trần Ngọc Giàu, các tác giả vỡ ra nhiều điều, sau đó thay đổi, chỉnh sửa. Hàng loạt tác phẩm đã được chọn dàn dựng trên nhiều sân khấu. Một trong những vở mới ra mắt công chúng là “Ám ánh” của Đặng Thanh Nga cũng từng được thai nghén từ trại sáng tác Đà Lạt”.
Theo nghệ sĩ Minh Nhí (Sân khấu Trương Hùng Minh), vở “Lụa máu” của Lê Quốc Nam được NSND Trần Ngọc Giàu góp ý chỉ vài điều. Vậy mà, vở kịch này đã thay đổi diện mạo, trở nên sinh động, trữ tình, gay cấn, hấp dẫn hơn và “bán được vé ào ào”.
NSND Trần Ngọc Giàu nhìn nhận: “Đã đến lúc cần phải có sự đầu tư chiến lược, căn cơ để phát triển đội ngũ đạo diễn trẻ của TP HCM, vì sự phát triển bền vững của sân khấu nước nhà. Khi đạo diễn sân khấu được đào tạo chuyên nghiệp thì sẽ xuất hiện nhiều đạo diễn có nghề, tác động tích cực đến đời sống sân khấu qua những hình thức dàn dựng mới”.
“Nhằm tạo sự cọ xát nghề nghiệp cần thiết và tìm kiếm những gương mặt đạo diễn trẻ tài năng, NSND Trần Ngọc Giàu đã chủ trương mời các đạo diễn từ nhiều tỉnh, thành dành thời gian cuối tuần đến TP HCM để ông truyền đạt kinh nghiệm.
NSND Trần Ngọc Giàu còn tham gia công việc biên kịch, chỉnh sửa kịch bản; tham gia các hội đồng phúc khảo, thẩm định kịch bản mới. Dù bận rộn công việc chuyên môn nhưng ông vẫn đặc biệt ưu tiên cho những hoạt động tại Hội Sân khấu TP HCM – từ việc cùng Ban Ái hữu chăm lo cho nghệ sĩ già yếu, sửa sang chùa và Nghĩa trang Nghệ sĩ đến hàng loạt chuyên đề, hội thảo, tọa đàm… của Ban Lý luận phê bình.
Ông còn tiên phong mở các lớp tập huấn trong lĩnh vực ảo thuật. Sắp tới, ông sẽ thực hiện quyển sách thứ hai về “Sân khấu cải lương TP HCM giai đoạn 1975-2025”. Quyển thứ nhất do ông chủ biên vừa được Hội đồng Lý luận phê bình Trung ương trao giải B.
Nguồn: https://nld.com.vn/nsnd-tran-ngoc-giau-dau-dau-tim-kiem-the-he-ke-thua-196231209192737234.htm