Cùng dự khán còn có ông Nguyễn Phước Lộc – Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM, NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM cũng là đạo diễn vở kịch “Đồng chí”, đạo diễn Tôn Thất Cần – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sân khấu TP HCM, NSND Mỹ Uyên – Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM và 12 nghệ sĩ Hiệp hội Sân khấu Busan (Hàn Quốc) cùng đông đảo khán giả, trong đó có nhiều sinh viên, học sinh.
Đây là suất diễn thứ ba vở kịch “Đồng chí” (tác giả kịch bản: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu). Đây là kịch bản đạt giải A từ Trại sáng tác kịch bản Hội Sân khấu TP HCM năm 2024.
Vở kịch sẽ tham gia Liên hoan Sân khấu TP HCM lần thứ 1, được chọn diễn mở màn liên hoan vào tối 13-11, sau đêm khai mạc 12-11 (đêm khai mạc Liên hoan là vở kịch thể nghiệm “Phiên tòa” cũng do NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng cho Nhà hát Kịch TP HCM).
Vở kịch “Đồng chí” là câu chuyện về những người lính bộ đội Cụ Hồ, từ thời chiến đến thời bình. Câu chuyện là những lát cắt đan xen giữa hôm nay và quá khứ, trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do dân tộc, những người lính cùng một đơn vị, cùng chí hướng, khát khao được sống trong hòa bình, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Khi chiến tranh đã lùi xa, những người đồng chí vẫn gắn bó với nhau, mỗi khi có điều kiện lại cùng quanh về chiến trường, cùng ôn lại kỷ niệm, hồi ức về một thời khốc liệt và hào hùng.
Nhưng đau đớn hơn chính là họ nhìn thấy những nghịch cảnh khiến đồng đội mình chao đảo bởi những “viên đạn bọc đường” trong thời bình. Nhưng thế hệ trẻ tiếp nối, có những người con luôn nhìn ông và cha bằng đôi mắt ngưỡng mộ, quyết tâm sống tốt để vẫn là đồng chí của chính ông, cha của mình.
NSND Trần Ngọc Giàu đánh giá đây là một kịch bản đầy tính thử thách cho cả người dựng lẫn người diễn. Như nhiều kịch bản trước đây giúp tác giả Lê Thu Hạnh được trao giải thưởng, bà đặt một vấn đề mang tầm khái quát vào một gia đình cụ thể, với thủ pháp biên kịch đầy phóng khoáng và gai góc.
Chính thủ pháp dàn dựng đầy thú vị này đã giúp các nghệ sĩ tạo được đất diễn sinh động cho từng nhân vật. Họ đã diễn rất đời, không lên gân tuyên truyền, mà đi vào cảm nhận của khán giả một cách nhẹ nhàng, không có sự hô hào khẩu hiệu.
Các diễn viên đã thể hiện lại cuộc sống của những người lính, mang lại cho khán giả tinh thần đồng đội của những người lính vì nước vì dân.
Vở kịch hướng giới trẻ, nêu cao tinh thần yêu nước và hăng hái đóng góp, cống hiến cho đất nước.
Cách đây không lâu, chương trình “Nghệ sĩ và sàn diễn” trên kênh HTV9 đã bàn luận rất sôi nổi về vở kịch “Đồng chí” với sự tham gia của ba nghệ sĩ: Chánh Trực, Trọng Hiếu và Quốc Thịnh.
Đạo diễn Lee Jeong Nam – Chủ tịch Hiệp hội Sân khấu Busan kiêm đạo diễn nhiều tác phẩm sân khấu Hàn Quốc đã đánh giá cao vở kịch “Đồng chí”. Ông cho biết tháng 11 sẽ cùng một số nghệ sĩ Hàn Quốc trong Hiệp hội Sân khấu Busan có hơn 350 diễn viên, sẽ đến thành phố tham dự Liên hoan Sân khấu TP HCM lần 1 – năm 2024.
Nguồn: https://nld.com.vn/bi-thu-thanh-uy-tp-hcm-nguyen-van-nen-xem-va-chuc-mung-vo-kich-dong-chi-196241024045608401.htm