Anh Nam đau sườn trái, nước tiểu có máu, khám phát hiện giãn tĩnh mạch thừng tinh do hội chứng ‘kẹp hạt dẻ’ hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 3-4/100.000.
Một ngày sau ca phẫu thuật điều trị hội chứng “kẹp hạt dẻ” bẩm sinh, anh Hồ Nam (21 tuổi, quận Tân Phú TP HCM) không còn đau sườn, các búi tĩnh mạch trên tinh hoàn biến mất. Bệnh nhân được can thiệp kịp thời nên tránh biến chứng huyết khối trong tĩnh mạch thận, tổn thương thận, vô sinh…
Trước đó, anh Nam đau âm ỉ vùng sườn bên trái, lẫn máu trong nước tiểu. Thăm khám tại Bệnh viện Tâm Anh, bác sĩ nhận thấy các búi tĩnh mạch nổi rõ trên tinh hoàn trái, chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh do bệnh nhân mắc hội chứng “kẹp hạt dẻ” (nutcracker). Cụ thể, tĩnh mạch thận bị kẹp bởi động mạch chủ và động mạch mạc treo tràng trên, làm máu không thể đổ về tĩnh mạch chủ dưới. Dần dần, máu ứ lại ở tinh hoàn trái gây giãn tĩnh mạch thừng tinh.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết ở những bệnh nhân bị hội chứng “kẹp hạt dẻ” cần tiến hành đặt stent hoặc phẫu thuật để tái thông dòng máu từ thận chảy về tim. Tuy nhiên, trường hợp này, dù nong được chỗ mạch máu bị hẹp nhưng stent có thể bị trôi do mạch máu sẽ giãn theo thời gian. Do đó, bác sĩ quyết định phẫu thuật chuyển tĩnh mạch thận.
Bác sĩ cắt đoạn tĩnh mạch thận bị chèn ép để gắn vào tĩnh mạch chủ dưới, tạo đường đi mới đưa máu từ thận về tim. Hai ngày sau ca mổ, anh Nam cải thiện hoàn toàn triệu chứng và được xuất viện.
BS.CKI Trần Quốc Hoài, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM, giải thích hai quả thận đảm nhận các chức năng quan trọng trong cơ thể như: loại bỏ chất thải từ máu, cân bằng chất lỏng cơ thể, tạo nước tiểu… Mỗi quả thận có một tĩnh mạch mang máu từ thận về tim, gọi là tĩnh mạch thận. Trong hội chứng nutcracker, tĩnh mạch thận trái bị chèn ép và máu không thể lưu thông bình thường qua tĩnh mạch này. Thay vào đó, máu chảy ngược vào các tĩnh mạch khác và khiến chúng sưng lên. Một số trường hợp máu ứ lại ở tinh hoàn gây giãn tĩnh mạch thừng tinh như trường hợp bệnh nhân Nam.
Hội chứng “kẹp hạt dẻ” có thể gặp ở mọi độ tuổi. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh thường gặp hơn ở những trẻ dậy thì và thanh niên 20-30 tuổi. Bệnh không thể phòng tránh nhưng nếu phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng. “Nếu thấy xuất hiện triệu chứng nước tiểu lẫn máu, đau vùng xương chậu, đau bụng hoặc một bên sườn, đau khi quan hệ tình dục, chóng mặt khi đứng, tĩnh mạch nổi rõ trên tinh hoàn… bạn cần đi khám ngay”, bác sĩ Hoài nhấn mạnh.
Thu Hà
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi