Đạo đức, giá trị mà báo chí không thể mất
Vào những năm 1990, hầu hết mọi tòa báo trên thế giới có cùng một quang cảnh làm việc giống nhau và đã được duy trì trong nhiều thập kỷ. Đó là những chiếc máy tính để bàn màu vàng be mà mỗi phóng viên chúng ta làm việc hàng giờ với nó. Ngoài ra nằm trên chiếc bàn ở trung tâm tòa soạn thường sẽ là một chiếc bàn lớn với một chiếc điện thoại để bàn hoặc một chiếc máy tính được kết nối với internet – mà vốn cũng không mấy ai sử dụng.
Hình ảnh xưa cũ đó hẳn vẫn còn đọng lại trong tâm trí của những người làm báo trong thời đại mà báo chí phát triển rực rỡ trước đây. Và những hình ảnh đó nhắc lại cho chúng ta về những giá trị nguyên bản của báo chí, rằng báo chí không phải là công nghệ. Tài năng, khát vọng, tinh thần học hỏi và đạo đức nghề nghiệp nói chung mới làm nên giá trị đích thực của báo chí, mới là những điều khiến xã hội tôn vinh báo chí, trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Nhưng chỉ gần 1 thập kỷ sau, vào những năm 2000, khoảng thời gian chỉ đủ để một sinh viên báo chí bước vào mái trường đại học và bắt đầu viết những bài báo thực sự đầu tiên, thì đời sống báo chí đã thay đổi hoàn toàn. Lúc đó, công cụ tìm kiếm “Google” đã đi vào từ vựng chung của xã hội như một động từ, trước khi chính thức đi vào Từ điển Oxford vào tháng 6 năm 2006.
Rất nhanh sau đó, hàng trăm nghìn phóng viên trên toàn thế giới, cũng như các biên tập viên phát thanh và truyền hình lặng lẽ và rất nhanh chóng – gần như vô thức xem Google và internet nói chung như một điều hiển nhiên trong công việc, thậm chí việc tra Google hay tìm kiếm thông tin trên mạng còn được xem như “quy trình làm việc”.
Tiếp đến, cũng chỉ khoảng một thập kỷ sau, khi thời đại báo chí kỹ thuật số và kỷ nguyên MXH bùng nổ, báo chí đã nhanh chóng thay đổi một lần nữa. Sau khi những tờ báo in dần biến mất cùng với các sạp báo bên lề đường, rất nhiều các tòa báo, các trang tin điện tử đã đổ xô đến MXH hay tập trung vào các chiến dịch học SEO của Google để phát hành tin tức. Kết quả ban đầu thật khả quan, nhiều tờ báo, thậm chí mới thành lập, đã thành công vang dội thông qua những cú nhấp chuột.
Về cơ bản mô hình báo chí đã thay đổi căn bản, từ việc trực tiếp bán sản phẩm trở thành phát miễn phí, càng nhiều càng tốt để đổi lấy tiền quảng cáo. Đó là xu thế khá vô thức – và vẫn còn tồn tại – bởi mọi thứ diễn ra quá nhanh và gần như không người làm báo nào đủ thời gian để dừng lại ngẫm nghĩ. Tất cả buộc phải lao vào cuộc đua này, và cố gắng chạy càng nhanh càng tốt.
Đó dường như là “sai lầm” lớn nhất trong lịch sử báo chí, khi tất cả phó mặc nghề nghiệp, niềm tự hào và cả tương lai của chúng ta cho những gã khổng lồ công nghệ mà có thể chẳng ai trong số họ từng có một ngày làm báo hay có một khái niệm báo chí nào! Họ chỉ cần có thật nhiều cú nhấp chuột, qua đó thu thật nhiều quảng cáo!
Trong một thời gian, nhiều trang web, tờ báo điện tử đã thành công trong hành trình đó. Họ đưa miễn phí tin tức trên các MXH và làm theo cách mà các công cụ tìm kiếm hướng dẫn để được độc giả nhấp chuột. Nhưng kỷ nguyên được gọi là “truyền thông số miễn phí” đó đang lụi tàn, nhanh chóng như lúc nó bắt đầu.
Rất nhiều các trang báo điện tử từng là biểu tượng của kỷ nguyên số miễn phí, như Buzzfeed News hay Vice gần đây, đã đóng cửa hoặc bị bán lại. Lý do rất đơn giản, họ cũng như nhiều tờ báo khác đã bị “đồng hóa” cùng các MXH, sản xuất tin bài theo “đơn đặt hàng” của công nghệ, và bởi vậy cũng rất dễ dàng bị “hất cẳng” khi không còn giá trị, không còn sự khác biệt.
Hãy tránh những cạm bẫy trong kỷ nguyên AI
Nhắc lại hành trình dài, những bài học cũ đó là để thấy rằng mối nguy chính của báo chí lại nằm ở vấn đề đạo đức báo chí, không phải công nghệ hay kẻ thứ ba nào. Mối nguy đó được đánh giá cũng sẽ theo chiều hướng như vậy, nhưng sẽ đáng sợ hơn nhiều trong kỷ nguyên AI tới đây.
Như đã biết, với AI mà tiêu biểu là ChatGPT, ngay cả một cá nhân cũng có thể tạo ra hàng trăm bài viết chỉ trong vài phút, dẫu rằng nó chỉ là những sản phẩm lai tạo từ những thông tin có sẵn. Nếu báo chí bị AI đồng hóa theo cách này, tức quá phụ thuộc vào nó để xuất bản những tin bài mà quên đi những giá trị cốt lõi, đạo đức của mình thì trong một ngày không xa báo chí sẽ đánh mất nốt những giá trị còn lại.
Cần biết, AI thông qua mô hình ngôn ngữ lớn, các thuật toán ngày càng tinh vi không chỉ có thể tạo một bài viết chỉ trong vài giây mà còn có thể làm gần như mọi phần việc khác trong báo chí, từ việc tạo ra các hình ảnh, tạo ra các video, tự động phát hành, thậm chí tự động điều phối và tự động tương tác với độc giả.
Nếu báo chí không chỉ coi AI như công cụ phục vụ cho công việc của mình mà phụ thuộc vào nó để sản xuất tin bài và phát hành sản phẩm một cách tràn lan, thiếu sáng tạo và kém chất lượng thì một ngày không xa người đọc sẽ không còn thấy sự khác biệt nào nữa giữa báo chí và những văn bản do trí tuệ nhân tạo tạo ra, vốn không chỉ chất lượng kém mà còn đầy rẫy thông tin sai lệch.
Trong thời gian ngắn vừa qua, đã có quá nhiều ví dụ cho thấy các sản phẩm AI dù vô tình hay cố ý song đã gây ra một làn sóng thông tin sai lệch nghiêm trọng. Vô vàn thông tin giả hay ảnh giả đã lan truyền trên MXH, từ việc ảnh giả Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố về Chiến thanh thế giới thứ ba, Tổng thống Vladimir Putin và cựu Tổng thống Donald Trump bị bắt, cho đến những công nghệ video giả dạng khuôn mặt các MC truyền hình nổi tiếng để đưa thông tin vì mục đích xấu.
Nếu báo chí không giữ được mình và tiếp tục hòa vào dòng chảy của AI chỉ để được hưởng chút lợi ích từ các gã khổng lồ công nghệ, tương lai báo chí sẽ chấm hết.
Nhưng rất may, đó đang chỉ là một cơn ác mộng trong mơ. Thực tại cho thấy, báo chí đã tìm ra những con đường phát triển mới. Phần lớn tờ báo, hãng tin thành công hàng đầu thế giới đã thoát ra khỏi thời đại kỷ nguyên số miễn phí, thời đại MXH vốn chỉ để đổi “view” lấy số tiền ít ỏi quảng cáo mà những gã khổng lồ công nghệ bỏ lại. Nhiều tờ báo lớn đã tự đứng trở lại trên đôi chân của mình bằng các dịch vụ thu phí hoặc quyền góp từ độc giả – những người sẵn sàng trả phí để đọc những bài báo chất lượng.
Có thể tin rằng báo chí nói chung sẽ tránh được những cạm bẫy mà kỷ nguyên AI đang giăng sẵn ở phía trước, dù rằng cũng vẫn phải lưu ý rằng những cạm bẫy đó rất nguy hiểm, cần sự sự tỉnh táo và đặc biệt sự đoàn kết để có thể vượt qua!
Bùi Huy