Tinh gọn bộ máy mở ra một chương mới trong quản trị quốc gia

Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ mở ra một chương mới cho quản trị quốc gia, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Báo Lao ĐộngBáo Lao Động30/01/2025

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội - chia sẻ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ảnh: Ái Vân

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW là một nội dung nhận được sự quan tâm lớn của cán bộ, công chức viên chức và người dân trong thời gian qua. PV Lao Động có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội.

Thưa ông, Tổng Bí thư Tô Lâm gọi sắp xếp tinh gọn bộ máy là “Cuộc cách mạng”. Việc này mang ý nghĩa đột phá thế nào với tổ chức bộ máy của chúng ta?

- Tôi nghĩ, việc Tổng Bí thư Tô Lâm gọi sắp xếp tinh gọn bộ máy là "cuộc cách mạng" không chỉ thể hiện tầm quan trọng mà còn nhấn mạnh sự quyết liệt cần có để thực hiện nhiệm vụ này.

Đây thực sự là một thay đổi mang tính đột phá, không chỉ nhằm cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước mà còn để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Tinh gọn bộ máy không đơn thuần là việc cắt giảm cơ học số lượng cơ quan hay nhân sự mà là tái cấu trúc toàn diện, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, loại bỏ những chồng chéo, bất cập đã tồn tại nhiều năm.

Điều này giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách, tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các cơ quan, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là yếu tố rất quan trọng để đáp ứng kỳ vọng của xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này sẽ mở ra một chương mới trong quản trị quốc gia?

- Tôi cho rằng, để thực hiện thành công "cuộc cách mạng" này, cần tập trung vào một số yếu tố cốt lõi. Trước hết là sự quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất.

Khi lãnh đạo dám đối diện với thách thức, không ngại thay đổi, thì đó sẽ là động lực lớn nhất để thúc đẩy cải cách. Bên cạnh đó, việc xây dựng một kế hoạch rõ ràng, có lộ trình cụ thể và dựa trên nghiên cứu khoa học là điều không thể thiếu.

Thứ hai, yếu tố nhân sự đóng vai trò quyết định. Đào tạo, chuyển đổi năng lực cho cán bộ để họ thích ứng với cơ cấu mới là một nhiệm vụ quan trọng. Không thể chỉ sáp nhập hay tinh gọn trên danh nghĩa mà bỏ qua vấn đề con người - lực lượng thực thi chính sách.

Thứ ba, sự đồng thuận từ xã hội là điều không thể thiếu.

Thứ tư, sự thận trọng nhưng quyết liệt trong thực hiện là yếu tố then chốt.

Tôi tin rằng, với tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo sáng suốt, Việt Nam hoàn toàn có thể biến "cuộc cách mạng" này thành hiện thực, mở ra một chương mới cho quản trị quốc gia, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Một trong những ảnh hưởng của sắp xếp bộ máy là việc tác động tới vị trí việc làm của nhiều cán bộ, công chức, viên chức. Song, cán bộ cũng phải dám hi sinh vì mục đích chung. Ông có suy nghĩ sao về việc này?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Sắp xếp, tinh gọn bộ máy đừng sợ mất ghế, ai cũng có chỗ đứng của riêng mình.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy không nên chỉ được nhìn nhận như một vấn đề "mất ghế" hay "mất vị trí", mà cần được xem là cơ hội để mỗi người, mỗi tổ chức tái định vị vai trò, trách nhiệm của mình, hướng đến mục tiêu chung lớn hơn: Xây dựng một bộ máy hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy để tối ưu hóa nguồn lực cho quốc gia. Ảnh: Hải Nguyễn

Như vậy, việc tinh gọn bộ máy chính là để tối ưu hóa nguồn lực cho quốc gia?

- Đúng vậy! Việc tinh gọn bộ máy không nhằm mục đích loại bỏ ai mà là để tối ưu hóa nguồn lực, loại bỏ sự chồng chéo, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Với cách tiếp cận đúng đắn, minh bạch và có lộ trình hợp lý, mọi cán bộ đều có thể tìm thấy cơ hội phát huy khả năng, dù là ở vị trí mới hay trong môi trường làm việc khác.

Điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi tư duy, không xem vị trí hay chức danh là thước đo giá trị cá nhân. Giá trị thực sự nằm ở những gì chúng ta đóng góp, ở cách chúng ta tạo ra sự thay đổi tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Khi mỗi người đều hiểu rõ vai trò của mình và được trao cơ hội để tiếp tục phát triển, họ sẽ không còn lo lắng về "mất ghế", mà thay vào đó là sự sẵn lòng hợp tác, cống hiến.

Tôi cũng nghĩ rằng để điều này thực sự trở thành hiện thực, cần có sự quan tâm đúng mức đến các chính sách hỗ trợ. Cần đảm bảo mỗi cán bộ, dù chịu tác động của quá trình tái cơ cấu, đều được tạo điều kiện để học tập, chuyển đổi nghề nghiệp hoặc tìm thấy môi trường phù hợp để tiếp tục phát triển.

Quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nếu được thực hiện một cách công bằng và nhân văn, sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho đất nước mà còn là cơ hội để mỗi cá nhân tự khẳng định và phát huy giá trị của mình.

Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Hoài Sơn!

Laodong.vn

Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/tinh-gon-bo-may-mo-ra-mot-chuong-moi-trong-quan-tri-quoc-gia-1443804.ldo



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available