Điểm đến nhiều trải nghiệm
Những ngày đầu tháng Giêng năm Giáp Thìn vừa qua, hàng vạn du khách từ khắp nơi đã đổ về Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc để tham gia lễ hội Gióng được tổ chức thường niên. Đây là hoạt động văn hóa thu hút đông đảo người dân thập phương mỗi độ Xuân về tại huyện Sóc Sơn.
Bên cạnh Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc, huyện Sóc Sơn còn có hệ thống 486 di tích lịch sử văn hóa và nơi thờ tự, với 174 lễ hội được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Trong số này, có 16 di tích xếp hạng quốc gia, 54 di tích được xếp hạng cấp TP Hà Nội; đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể thế giới (lễ hội Gióng đền Sóc và lễ hội kéo mỏ xã Xuân Thu).
Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc, cùng với những điểm đến văn hóa tâm linh, sản phẩm du lịch của huyện hiện nay ngày một phong phú về số lượng và loại hình. Du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đã và đang nở rộ tại huyện Sóc Sơn như: chơi golf, các giải thi đấu thể thao (giải chạy Ultra Trail, đua xe địa hình), vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần…
Một số tour du lịch đang dần hình thành trên địa bàn huyện Sóc Sơn như: cụm di tích đền Sóc – chùa Non – tượng đài Thánh Gióng – Việt phủ Thành Chương; cụm di tích đền Sóc – sân gofl Minh Trí; cụm di tích đền Sóc – sân golf Legand Hill; hồ Đồng Quan (xã Quang Tiến) – hồ Hàm Lợn (xã Nam Sơn) – hồ Đồng Đò (xã Minh Trí); các khu sinh thái Bản Rõm, Thiên Phú Lâm…
Thống kê trong 3 năm qua cho thấy, số lượng du khách đến với huyện Sóc Sơn ngày một tăng. Nếu như năm 2021 chỉ đạt 15.000 lượt khách (một phần nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19), thì đến năm 2022, con số này ước đạt 950.000 – 1.000.000 lượt khách và trong năm 2023 đã đạt 1.000.000 – 1.200.000 lượt khách.
Trong mục tiêu phát triển du lịch giai đoạn tới, huyện Sóc Sơn định hướng mở rộng hợp tác, liên kết chuỗi điểm đến du lịch với các địa phương như: khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh), đền Hai bà Trưng (huyện Mê Linh), khu du lịch hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc), khu hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) nhằm quảng bá sản phẩm, trao đổi thông tin, khai thác thị trường…
Tính chất du lịch chưa điển hình
Theo đánh giá của của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sóc Sơn, dù số lượng du khách đến với huyện Sóc Sơn ngày một tăng, tuy nhiên, thị trường chủ yếu là khách nội địa. Du khách là Nhân dân trong huyện, cư dân các huyện lân cận, dân cư nội thành Hà Nội chiếm tỷ lệ lớn. Khách thập phương và khách đi theo tuyến du lịch còn hạn chế.
“Tính chất du lịch cũng chưa điển hình, chủ yếu là tham quan, hành hương tín ngưỡng. Điều này dẫn tới số lượng du khách đến với huyện tập trung chủ yếu vào các tháng đầu năm và dịp lễ hội Gióng tại đền Sóc Sơn” – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho hay.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện có trên 637 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng đều nằm xung quanh khu vực hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò, đền Sóc… Huyện chưa có đặc sản mang nét riêng về ẩm thực địa phương. Sản phẩm hàng hóa phục vụ khách du lịch còn đơn điệu.
Nhiều nhà nghỉ, khách sạn chưa bảo đảm về số lượng, chất lượng, chưa đáp ứng được khi có lượng khách lớn. Đa số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nên cảnh quan và các trang thiết bị còn sơ sài, thiếu độ tinh tế và hấp dẫn để níu chân khách dài ngày hoặc tiêu dùng nhiều hơn.
Trên địa bàn hiện có 17 công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành, 14 DN kinh doanh vận chuyển khách. Dù vậy qua kiểm tra, chỉ có một số DN lữ hành kinh doanh nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp, chưa có sự liên kết với các tour du lịch khác đưa khách du lịch về huyện, việc kinh doanh còn đơn điệu và hiệu quả chưa cao.
Nhưng đáng lo ngại hơn là cảnh quan thiên nhiên đang dần bị bê tông hóa bởi các công trình nhà ở, homestay tự phát, khu du lịch tạm… mọc lên với những vật liệu không thân thiện môi trường. Đây là nguy cơ làm mất dần giá trị tự nhiên rất quý của huyện Sóc Sơn, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1081/QĐ-TTg, huyện Sóc Sơn là một trong những không gian du lịch được quan tâm đầu tư, phát triển. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để huyện Sóc Sơn cụ thể hóa định hướng mục tiêu phát triển lĩnh vực du lịch.
Xác định quy hoạch đi trước một bước, trên cơ sở các nội dung quy hoạch chung huyện Sóc Sơn với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, thời gian qua, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị tập trung tham mưu, tiến hành lập quy hoạch vùng, khu, điểm du lịch trên địa bàn theo thứ tự ưu tiên.
Cùng với đó, huyện triển khai quy hoạch cụ thể các điểm có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, thông tin để hỗ trợ các nhà đầu tư và kêu gọi đầu tư khai thác du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, phát triển du lịch được địa phương xác định là giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại – dịch vụ.
Để đạt được mục tiêu trên, huyện đã định hướng phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch để tập trung đầu tư. Cụ thể là du lịch văn hóa – tâm linh (du lịch lễ hội gắn với lễ hội Gióng; du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng tôn sùng Thánh Gióng); du lịch sinh thái, sinh thái nghỉ dưỡng, sinh thái nông nghiệp và du lịch thể thao, vui chơi giải trí.
Việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch là một trong những giải pháp quan trọng được huyện Sóc Sơn xác định nhằm hấp dẫn du khách, mang lại hiệu quả kinh doanh cao.
Theo đó, thời gian tới, huyện sẽ tập trung xây dựng các chương trình và điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, khu sinh thái… Xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch – dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình và các hoạt động du lịch. Trong đó, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các loại hình du lịch văn hóa – tín ngưỡng, du lịch sinh thái – nghỉ ngơi cuối tuần, du lịch vui chơi giải trí.
Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng các dịch vụ như ngân hàng, trung tâm thông tin tại các điểm du lịch có khả năng phát triển; hiện đại hóa các công trình công cộng như công viên, trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm…
“Không chỉ để đáp ứng yêu cầu của khách du lịch, các giải pháp hiện đại hóa dịch vụ được đề ra còn được kỳ vọng sẽ góp phần vào chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sự hấp dẫn cho du lịch địa phương trong những năm tới” – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng nhấn mạnh.
Định hướng 4 không gian ưu tiên phát triển du lịch của huyện Sóc Sơn: khu du lịch văn hóa, nghỉ ngơi cuối tuần thuộc khu vực đền Sóc và khu du lịch sinh thái tổng hợp hồ Đồng Quan; vành đai khu vực dọc sông Cà Lồ phía Nam huyện Sóc Sơn; khu vực gò đồi thuộc các xã: Minh Trí, Minh Phú, Nam Sơn, Hiền Ninh và Quang Tiến; khu vực phía Bắc trung tâm huyện gồm: khu vực Núi Đôi (thị trấn Sóc Sơn), trường đua ngựa (xã Tân Minh).