Vướng mắc giao dịch
Anh Nguyễn Hồng Tuấn (nhà đầu tư) chia sẻ, năm 2019 gia đình anh mua 1 mảnh đất tại xã Minh Phú, Sóc Sơn có diện tích đất ở trong sổ đỏ là 1.200m2 (sổ đỏ này do UBND huyện Sóc Sơn cấp vào thời điểm năm 1992). Sau khi hoàn tất thủ tục công chứng, anh nộp hồ sơ sang tên sổ tại văn phòng một cửa huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, theo kết quả thông báo, sổ đỏ này nằm trong diện bị cấp vượt hạn mức đất ở vì vậy không thể làm thủ tục sang tên được.
“Gia đình tôi rất lo lắng bởi tiền đã thanh toán đủ, công chứng chứng thực việc sang tên đã hoàn tất. Bây giờ thu hồi lại sổ tôi bị mất trắng. Sổ đỏ mảnh đất này là do Nhà nước cấp có đóng dấu đỏ thì tôi mới dám mua, vì vậy, không thể bắt người dân phải chịu hậu quả được” – anh Tuấn nói.
Không chỉ khó khăn trong giao dịch chuyển nhượng, việc cấp vượt hạn mức đất ở đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân bị mất đất khi di dời bãi rác Nam Sơn.
Bà Nguyễn Thị Mai là 1 trong 14 hộ dân nằm trong diện phải di dời trong phạm vi từ 0 – 100m vùng ảnh hưởng bãi rác. Theo tiêu chuẩn, gia đình bà được hưởng chính sách giao đất tái định cư. Tuy nhiên, do kết luận Thanh tra thành phố chỉ ra, việc cấp sổ đỏ lần đầu cho các gia đình này có sai sót vì vượt hạn mức đất ở nên khi bán một phần hoặc chia tách, cho tặng, nhiều sổ đã không còn diện tích đất ở. Chiếu theo quy định, nhiều hộ mặc dù có sổ ghi là có đất ở nhưng vẫn không đủ điều kiện để được hưởng chính sách tái định cư.
“Sổ đỏ của tôi có 1.800m2 đất ở. Năm 2017, tôi đã chia cho 4 người con, mỗi cháu 400m2. Sổ đỏ đã được sang tên cho các cháu. Bây giờ, chính quyền lại không công nhận. 1.800m2 này mà chỉ cho đủ 400m2. Nếu ra khu tái định cư, tôi chỉ nhận được 1 suất đất tái định cư diện tích 70 – 80m2 thì gia đình không thể sinh sống được. Do vậy, chúng tôi vẫn phải bám trụ lại đây để ở và làm chuồng trại nuôi gia đình” – bà Mai bức xúc nói.
Ông Trần Ngọc Hà – Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ cho biết, do vướng mắc về hạn mức đất ở trong sổ đỏ nên hiện chỉ những sổ cấp không vượt hạn mức mới được xem xét tái định cư cho người dân bãi rác Nam Sơn. Những sổ cấp vượt hạn mức sẽ bị thu hồi sau đó cấp lại theo đúng hạn mức cho chủ gốc đầu tiên. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài từ năm 1993 – 2015, từ sổ của chủ gốc sau đó đã được chia tách, mua đi bán lại nhiều lần và đều được các cơ quan có thẩm quyền cho tách sổ và người dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, nên việc di dời người dân đến nơi ở mới gặp nhiều khó khăn mặc dù các khu tái định cư đã được huyện đầu tư xong hết hạ tầng, chỉ chờ người dân vào ở.
Cần chính quyền gỡ vướng
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Toàn – Quyền Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn cho biết, trong số 12.000 sổ đỏ, có 3.000 sổ cấp từ năm 1993 – 2000; năm 2005 – 2012 cấp 9.000 sổ. Các hộ dân đều có nguồn gốc sử dụng đất trước năm 1980.
Hiện UBND huyện đã vận động được 1.000 hộ dân tự nguyện điều chỉnh về hạn mức đất ở theo đúng quy định. Còn 11.000 sổ chưa được xử lý.
Theo ông Toàn, việc xử lý sổ đỏ đã cấp vượt hạn mức gặp rất nhiều khó khăn do quá trình sử dụng các hộ dân đã đăng ký biến động, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận sau khi chia tách, mua bán, chuyển nhượng, tặng cho nên không thể thực hiện được việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng quy định tại Điều 106 Luật Đất đai, Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ.
“Khi thực hiện giải phóng mặt bằng, nếu bồi thường theo diện tích đất ở ghi trên Giấy chứng nhận là không đúng quy định, nếu bồi thường theo hạn mức ban đầu (không quá 400m2/hộ) thì các hộ dân không đồng thuận”, ông Toàn nói. Đặc biệt, các hộ dân thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường 0 – 500m và sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn sắp tới.
Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho biết, đối với đất ở vượt hạn mức lên đến 12.000 trường hợp tại huyện Sóc Sơn, Thanh tra Chính phủ trước đó đã có kết luận liên quan đến việc này. Tuy nhiên, không thể ban hành 1 cơ chế chung để giải quyết mà huyện Sóc Sơn cần phân loại để cùng tháo gỡ trên nguyên tắc có tình, có lý. Cần cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để tháo gỡ vấn đề này.