Dân Trung Quốc hào hứng trước những hình ảnh đầu tiên của gấu trúc Ya Ya tại sở thú Bắc Kinh, một tháng sau khi hồi hương từ Mỹ.
Truyền thông Trung Quốc hôm 29/5 công bố hình ảnh gấu trúc Ya Ya được đưa về sở thú Bắc Kinh, sau khi con vật hoàn tất một tháng cách ly tại Thượng Hải từ khi được hồi hương hôm 27/4.
Sở thú Bắc Kinh thông báo gấu trúc Ya Ya hiện trong tình trạng ổn định và họ đã chuẩn bị khu đồ ăn đặc biệt cho con vật.
Sự xuất hiện của gấu trúc Ya Ya tại sở thú Bắc Kinh khiến người dùng mạng Trung Quốc bùng nổ, với các ý kiến bày tỏ vui mừng khi thấy con vật có vẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn. Trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, từ khóa về Ya Ya đạt hơn 230 triệu lượt xem, đứng đầu từ khóa xu hướng hôm 29/5.
“Tình trạng của Ya Ya rõ ràng đã được cải thiện rất nhiều”, một tài khoản bình luận. “Mới có một tháng mà nhìn nó đã như con gấu trúc khác vậy”, người dùng mạng xã hội Trung Quốc khác nhận xét.
Sở thú Bắc Kinh thông báo do gấu trúc Ya Ya, sinh vào tháng 8/2000, đã lớn tuổi, nó sẽ không xuất hiện trước công chúng mà được chăm sóc riêng. Thông tin về Ya Ya sẽ được sở thú Bắc Kinh cập nhật thường xuyên qua Weibo.
Ya Ya cùng Le Le được Trung Quốc gửi tới Mỹ từ năm 2003 và cho mượn trong vòng 20 năm theo chính sách “ngoại giao gấu trúc”. Gấu trúc Le Le đã qua đời hồi tháng 2, Ya Ya được đưa về nước hồi tháng trước.
Nhiều người dân Trung Quốc và các nhóm bảo vệ quyền động vật khắp thế giới trước đó nhiều lần cáo buộc vườn thú Memphis ở Mỹ ngược đãi Ya Ya, khiến con vật tiều tụy.
Vườn thú Memphis bác bỏ cáo buộc, cho rằng thể trạng gấu trúc Ya Ya nhỏ bé hơn các con gấu trúc khác do yếu tố di truyền, không phải do chế độ chăm sóc. Vườn thú còn khẳng định dù Ya Ya trông có vẻ xơ xác, con vật không bị vấn đề gì và luôn được theo dõi chặt chẽ.
Giới chức Trung Quốc cũng xác nhận gấu trúc Ya Ya không bị vườn thú Mỹ ngược đãi. Trước khi Ya Ya về nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng con vật được “chăm sóc tốt và được người dân Mỹ yêu mến”.
Bắc Kinh coi gấu trúc là “sứ giả ngoại giao” và thường xuyên tặng hoặc cho các nước mượn như một cách thắt chặt quan hệ song phương. Global Times hồi tháng 2 đưa tin Trung Quốc phối hợp với 18 quốc gia đang nuôi gấu trúc, trong đó có Mỹ, Đức, Qatar, Singapore và Nhật Bản, để nghiên cứu và bảo tồn loài động vật này.
Theo Viện Sinh học Bảo tồn và Vườn thú Quốc gia Smithsonian của Mỹ, tuổi thọ của gấu trúc hoang dã là 15-20 năm và gấu trúc được con người chăm sóc là khoảng 30 năm. Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết có những con gấu trúc ở sở thú có thể sống đến 35 tuổi.
Ngọc Ánh (Theo CNN/Xinhua)