Tham dự buổi tiếp về phía Bộ TN&MT có ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; Lãnh đạo các đơn vị: Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu, Vụ Pháp chế, Vụ Môi trường và Văn phòng Bộ.
Về phía Đan Mạch có ông Niels Holst, Giám đốc Quỹ New Market Fund I – Tập đoàn CIP Đan Mạch; ông Robert Helms, Thành viên Quỹ New Market Fund I – Tập đoàn CIP Đan Mạch; ông Stuart Livesey, Tổng giám đốc CIP tại Việt Nam và đại diện cán bộ Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.
Mở đầu buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Minh Ngân hoan nghênh và chào mừng Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz; ông Niels Holst, Giám đốc Quỹ New Market Fund I, Tập đoàn CIP cùng các đồng nghiệp đến làm việc với Bộ TN&MT.
Thứ trưởng đặc biệt chúc mừng sự kiện Thủ tướng Chính phủ hai nước đã thông qua Tuyên bố chung Đối tác Chiến lược Xanh tại Cuộc hội đàm trực tuyến tối ngày 01/11/2023. Theo đó, việc thông qua Tuyên bố chung sẽ thúc đẩy sự tham gia hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Đan Mạch vào các lĩnh vực xanh như công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là phát triển điện gió ngoài khơi tương xứng với tiềm năng của Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện Tuyên bố chính trị về Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trong đó Đan Mạch là một đối tác tham gia.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương ưu tiên của Việt Nam, trong đó điện gió ngoài khơi được coi là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, điều này liên quan chặt chẽ đến quy hoạch không gian biển, đặc biệt là xác định các vùng biển tiềm năng và phân vùng hợp lý để phát triển điện gió ngoài khơi.
Theo đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu tổng quát là “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam chính thức thông qua tuyên bố JETP đã mở ra cơ hội đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Phát biểu tại buổi tiếp, ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Đan Mạch. Theo đó, sau 10 năm kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, hai nước Việt Nam – Đan Mạch đã phát triển năng động và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như chính trị – ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển, năng lượng, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Ngài Đại sứ cho biết, thời gian qua, Chính phủ Đan Mạch đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Đan Mạch có thế mạnh và phù hợp với các ưu tiên phát triển bền vững của Việt Nam như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, kinh tế biển, tăng trưởng xanh. Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về năng lượng, môi trường, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu từ năm 2011 và Đối tác chiến lược Xanh mới được thiết lập, mới đây, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã cam kết mở rộng hợp tác theo hướng tăng trưởng xanh, góp phần hiện thực hóa nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch trong việc thực hiện các cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị COP 26 và các ưu tiên phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam với cam kết mạnh mẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz cho biết, với tư cách là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi từ năm 1991, Đan Mạch rất mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam khởi tạo thành công ngành điện gió ngoài khơi, sẵn sàng giới thiệu các nhà đầu tư của Đan Mạch có kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi đến đầu tư tại Việt Nam.
“Điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam: Một cơ hội để cung cấp một nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước. Là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng xanh và bền vững, Đan Mạch mong đợi Chính phủ Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi” – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz nhấn mạnh.
Giới thiệu về Tập đoàn CIP, ông Niels Holst, Giám đốc Quỹ New Market Fund I, Tập đoàn CIP cho biết, Tập đoàn CIP là một trong 3 nhà phát triển điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới và là nhà đầu tư tập trung phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất toàn cầu có trụ sở tại Đan Mạch. Trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, CIP đang là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới với danh mục đầu tư, phát triển và xây dựng hơn 38GW tại nhiều thị trường trên toàn cầu như Mỹ, Anh, Đức, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Đặc biệt, Tập đoàn CIP đang áp dụng một mô hình đầu tư và phát triển dự án bền vững, theo đó CIP luôn đồng hành cùng Tập đoàn Cophengagen Offshore Partners (COP) – đơn vị được thành lập vào năm 2015 để phát triển, quản lý xây dựng và vận hành các dự án điện gió ngoài khơi một cách chuyên biệt do CIP đầu tư. Thông qua mô hình này, CIP-COP đã đạt được rất nhiều thành tựu lớn trong phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trên toàn cầu, đặc biệt là các thị trường mới.
Với năng lực tài chính và kỹ thuật vững chắc, cũng như kinh nghiệm sâu rộng đối với mọi giai đoạn trong quy trình phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, ông Niels Holst tin tưởng rằng, Tập đoàn sẽ có nhiều triển vọng hợp tác cùng các đối tác Việt Nam phát triển thành công các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn (trên 500 MW) trong nước. Các dự án này sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm chất lượng cao, mang lại cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất điện gió cho nhiều đối tác, nhà cung cấp trong nước.
Cảm ơn những chia sẻ của Ngài Đại sứ và Ngài Giám đốc Quỹ Tập đoàn CIP, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, vấn phát triển các dự án điện gió ngoài khơi là vấn đề còn khá mới đối với Việt Nam, do đó Bộ TN&MT rất mong có cơ hội được gặp gỡ và làm việc và tìm hiểu kinh nghiệm từ phía các chuyên gia của Đan Mạch để chia sẻ kinh nghiệm quản lý phát triển điện gió ngoài khơi. Các nội dung cụ thể mà Bộ TN&MT đang thiếu kinh nghiệm và mong muốn được Ngài Đại sứ cùng đồng nghiệp chia sẻ về nội dung quản lý khảo sát điện gió, quy hoạch không gian biển, giao khu vực biển…; xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà phát triển dự án có kinh nghiệm, năng lực và có cam kết rõ ràng về tiến độ, chất lượng khảo sát điện gió ngoài khơi; quản lý các nhà đầu tư sau khi được cấp phép khảo sát điện gió ngoài khơi.
Đối với việc đánh giá tiềm năng gió của Việt Nam, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, việc tính toán chi tiết tiềm năng gió tại từng địa phương hoặc từng khu vực cụ thể đòi hỏi cần có nhiều thông tin đầu vào hơn nữa, đặc biệt là các thông tin về số liệu quan trắc gió trên cao và số liệu đặc trưng bề mặt địa hình. Vì vậy, Bộ TN&MT mong muốn phía Đan Mạch có thể hỗ trợ việc quan trắc để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tiềm năng gió được đầy đủ và chính xác hơn.
Thứ trưởng được biết, Tập đoàn CIP có kinh nghiệm hàng đầu trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời đang quản lý quỹ lớn nhất trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đầu tư vào các dự án điện gió. Cá nhân Thứ trưởng thực sự ấn tượng với những thành tích mà Tập đoàn đã đạt được trong suốt những năm qua và mong muốn thông qua chuyến thăm này sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới giữa hai bên.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng giao cho các đơn vị đầu mối của Bộ TN&MT xem xét, nghiên cứu đề xuất triển khai những hợp tác cụ thể, trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Kết thúc buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân một lần nữa gửi lời cảm ơn ngài Đại sứ và các đồng nghiệp đã dành thời gian đến thăm và làm việc với Bộ TN&MT và chúc quan hệ hai nước Việt Nam – Đan Mạch ngày càng bền chặt, đạt được những bước phát triển mới trong tương lai, góp phần tiếp tục đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, ổn định, lâu dài và bền vững.