Những thành tựu hợp tác Việt Nam-Đan Mạch có thể góp phần từng bước đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng liên quan đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Copenhill, công trình tiêu biểu về mặt kiến trúc, phục vụ dân sinh và là biểu tượng về chuyển đổi xanh của Đan Mạch. (Nguồn: ubm-development) |
Thông qua hợp tác với những quốc gia đi đầu về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững như Đan Mạch, Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý, tận dụng nguồn lực, vốn, công nghệ. Từ đó, áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, góp phần thực hiện cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Khát vọng, quyết tâm và tầm nhìn của Đan Mạch
Đến Copenhagen, thủ đô và thành phố lớn nhất Đan Mạch, mọi người thường nhắc đến Copenhill, công trình tiêu biểu về mặt kiến trúc, phục vụ dân sinh và là biểu tượng về chuyển đổi xanh của Đan Mạch. Thực chất, đó là một nhà máy nhiệt điện đốt rác, trị giá khoảng 650 triệu USD, khánh thành năm 2017, có thể xử lý tới 560.000 tấn rác mỗi năm và cung cấp điện năng gia dụng cho hơn 50.000 căn hộ, năng lượng sưởi ấm cho 120.000 hộ dân.
Bên cạnh đó, Copenhill không phát thải do sử dụng công nghệ thu hồi carbon, tái chế được khoảng 100 triệu lít nước mỗi năm trong quá trình xử lý, khoảng 90% kim loại từ rác thải sẽ được thu hồi và tái sử dụng. Đặc biệt, rác thải sau xử lý sẽ cho ra khoảng 100.000 tấn nguyên liệu có thể sử dụng cho xây cầu đường.
Copenhill còn là tổ hợp du lịch dành cho du khách ưa khám phá. Công trình có sân trượt cỏ nhân tạo lớn nhất thế giới (mùa Đông thành trượt tuyết) trên tầng thượng, có khối tường cho các vận động viên leo núi thực tập cao 85m, một nhà hàng đầy đủ tiện ích và một quán bar vô cùng độc đáo. Hiện mỗi năm, nơi đây thu hút hàng trăm nghìn lượt khách.
Có được công trình tiêu biểu như trên, phải nói đến khát vọng, quyết tâm và tầm nhìn của Đan Mạch trong gần 50 năm tiến hành chuyển đổi xanh, được thể hiện trong các cam kết chính trị, các chính sách, chương trình hành động đầy tham vọng và năng lực đổi mới sáng tạo về mặt công nghệ.
Để thực hiện cam kết giảm phát thải 70% vào năm 2030 (so với năm 1990) và phát thải ròng bằng 0 (Net-zero) vào năm 2050, thời gian qua, Đan Mạch tập trung vào tối đa hóa nguồn lực thông qua cơ chế đối tác công tư, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên nước, xây dựng thành phố thông minh và các lĩnh nông nghiệp thực phẩm, xây dựng đô thị, giao thông vận tải, công nghiệp và hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh…
Hợp tác hiệu quả, bài bản, thực chất
Việt Nam và Đan Mạch có truyền thống hợp tác trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ngay từ năm 2011, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh.
Năm 2013, Đan Mạch và Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, trong đó chuyển đổi xanh và phát triển bền vững luôn là chủ đề nổi bật trong mọi hợp tác về năng lượng, y tế, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục, thương mại và đầu tư…
Hiện nay, khuôn khổ quan hệ hai nước đã đi vào ổn định, thực chất, vừa đa dạng các lĩnh vực hợp tác, vừa có chiều sâu, minh chứng qua việc hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Xanh với 10 nhóm lĩnh vực hợp tác có tính chất bao trùm vào tháng 11/2023.
Đó là những dấu mốc quan trọng, thể hiện cam kết, quyết tâm của lãnh đạo, nhân dân hai nước trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Đây cũng là tiền đề hợp tác lâu dài, không chỉ vì lợi ích của mỗi nước mà còn thể hiện trách nhiệm đối với các thách thức an ninh, phát triển của nhân loại, cụ thể là biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.
Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị. (Nguồn: TTXVN) |
Về các kết quả cụ thể, có thể kể đến Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam-Đan Mạch triển khai từ năm 2013, hiện đang ở giai đoạn 3 (từ năm 2020-2025), đạt được nhiều kết quả thực chất. Hai bên đã xây dựng và công bố các Báo cáo Triển vọng năng lượng, đưa ra các đánh giá và khuyến nghị chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành năng lượng theo hướng tăng cường khai thác năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài ra, các chương trình hợp tác chiến lược theo lĩnh vực như môi trường, nông nghiệp, y tế, giáo dục, thống kê… đã và đang được triển khai hiệu quả, bài bản, có kết quả thực chất và ngày càng hướng đến các tiêu chuẩn xanh, bền vững.
Thời gian qua, Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án đầu tư xanh, chất lượng cao của Đan Mạch. Đơn cử như dự án xây dựng nhà máy trung hoà carbon đầu tiên trên thế giới của Lego tại Việt Nam với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. Hay các dự án của Scancom, Pandora, Spectre, CIP, Vestas… góp phần đưa Đan Mạch trở thành nhà đầu tư lớn thứ 22/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,8 tỷ USD.
Hầu hết các dự án của Đan Mạch là đầu tư và sản xuất xanh, đề cao trách nhiệm xã hội, có giá trị lan toả, có thể coi là hình mẫu cho các dự án đầu tư chất lượng cao, minh chứng cho cam kết và quyết tâm của Việt Nam trong việc thu hút các dự án xanh, hướng đến đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Thế hệ trẻ Việt Nam – lực lượng quan trọng
Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược Xanh Việt Nam-Đan Mạch góp phần hiện thực hóa các nỗ lực của Chính phủ hai nước trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, nâng cao tham vọng khí hậu toàn cầu, chú trọng chuyển đổi xanh công bằng thông qua hợp tác đa lĩnh vực.
Trên cơ sở khuôn khổ hợp tác mới, trong thời gian tới, Việt Nam và Đan Mạch tiếp tục làm sâu sắc và nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Trước mắt, hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ triển khai Tuyên bố về thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) diễn ra tại Việt Nam vào tháng 4/2025.
Song song với đó, hai nước cũng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới, có nhiều tiềm năng như chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất xanh, hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tập trung vào các lĩnh vực phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu…
Tuy nhiên, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những vấn đề mang tính chiến lược và dài hạn, từ đưa ra cam kết đến đạt được mục tiêu là một chặng đường dài và gian nan, đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực rất lớn, bền bỉ từ trung ương, địa phương cho đến người dân, doanh nghiệp.
Việt Nam cần giúp cho người dân thấy rõ việc tiến hành chuyển đổi xanh không chỉ mang lại lợi ích thiết thực trong việc từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước mà còn là trách nhiệm xã hội và trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai. Vì vậy, trước hết, cần làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền đến người dân về lợi ích, ý nghĩa và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu từng bước đưa các nội dung phù hợp về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh vào các chương trình giáo dục và có chính sách khuyến khích thế hệ trẻ tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, khuyến khích công tác nghiên cứu, đưa ra các ý tưởng, sáng kiến, các dự án khởi nghiệp xanh, sạch và bền vững trong thanh niên.
Qua nhiều năm gắn bó với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, có cơ hội làm việc, tiếp xúc với nhiều chuyên gia, trí thức, các bạn thanh niên cả trong và ngoài nước, tôi nhận thấy, thế hệ trẻ Việt Nam rất năng động, sáng tạo, nhạy bén, nhanh chóng thích nghi và nắm bắt được các xu hướng lớn của thế giới. Nếu được tạo điều kiện và cơ hội, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ trở thành lực lượng quan trọng đóng góp cho tiến trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.
Nguồn: https://baoquocte.vn/viet-nam-dan-mach-hop-tac-bai-ban-de-xanh-hon-286994.html