Cùng với sự phát triển của xã hội, internet và các nền tảng mạng xã hội (MXH) cũng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người, nhất là giới trẻ.
Những hình thức dẫn dụ lừa đảo phổ biến trên không gian mạng nhắm vào đối tượng sinh viên/thanh niênNguồn: Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) – Đồ họa: Đỗ Quyên |
Điều đáng quan tâm là trước khi tiếp cận, sử dụng internet và MXH, người trẻ lại chưa từng được trang bị những kiến thức, kỹ năng một cách bài bản để đảm bảo an toàn trên không gian mạng.
Thiếu kiến thức, kỹ năng khi tham gia MXH
Hiện đang là học sinh lớp 8, em Nguyễn Chí Hùng (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) đã được cha mẹ trang bị riêng một chiếc điện thoại thông minh. Hùng cho biết, trước đây khi còn là học sinh tiểu học, thỉnh thoảng em được cha mẹ cho mượn điện thoại để giải trí. Nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh vào năm 2021, học sinh phải học trực tuyến thay vì đến trường, em đã được cha mẹ trang bị điện thoại thông minh để thuận tiện cho việc học tập trực tuyến.
Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 9-5-2007 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em dành hẳn 1 chương để nói về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Bên cạnh chỉ ra những thông tin bí mật của trẻ em, nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…, nghị định còn đề ra các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ trên môi trường mạng; hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.
|
Sau này khi đã trở lại học trực tiếp, cha mẹ cho Hùng sử dụng điện thoại để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí. Từ khi được sở hữu điện thoại, lúc rảnh rỗi, em thường sử dụng điện thoại để kết nối với thầy cô, bạn bè; chơi game, tham gia MXH (Facebook, Tik Tok)… để giải trí. Để có thể sử dụng các tính năng cũng như tiện tích của điện thoại, internet và MXH, em tự mày mò tìm hiểu hoặc hỏi bạn bè cách dùng.
Không chỉ Chí Hùng mà hầu hết những người trẻ đều chưa từng được trang bị kiến thức, kỹ năng khi tham gia internet, MXH một cách bài bản, đầy đủ, chủ yếu là mày mò, tự tìm hiểu.
Anh Nguyễn Minh Hiếu, sinh viên năm nhất, Khoa Công nghệ ô tô, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai chia sẻ, trừ thời gian học, ăn, ngủ, sinh hoạt cá nhân, hầu hết thời gian còn lại trong ngày của anh đều dành để lướt website, các nền tảng MXH để giải trí, như: Facebook, Zalo,
Tik Tok…
Trong quá trình sử dụng internet, MXH, anh Hiếu thấy có rất nhiều vụ lừa đảo trên không gian mạng. Trước tình hình đó, anh đã tìm hiểu cách thức để đảm bảo an toàn trên môi trường mạng. Theo anh Hiếu, chỉ cần gõ cụm từ “Làm thế nào đảm bảo an toàn trên môi trường mạng” vào mục tìm kiếm trên Google đã có trên 45 triệu kết quả liên quan đòi hỏi anh phải có sự chọn lọc và thận trọng áp dụng cho bản thân mình.
Mặc dù thận trọng không tùy tiện bấm vào đường link lạ hay tham gia các trò chơi trên MXH nhưng anh Nguyễn Hữu An, sinh viên Khoa sư phạm Khoa học – xã hội, Trường đại học Đồng Nai cũng đã bị đánh cắp tài khoản Facebook. Anh An cho hay, phát hiện mình bị mất tài khoản Facebook, anh rất lo lắng. Bởi đã có không ít trường hợp kẻ xấu đánh cắp và mạo danh chủ tài khoản để nhắn tin cho người thân, bạn bè vay tiền, chuyển khoản và chiếm đoạt tài sản. Không biết cách lấy lại tài khoản, anh An đã nhờ bạn bè, người thân thông báo rộng rãi trên Facebook để tránh trường hợp bị lừa vay tiền, chuyển khoản.
Trang bị kiến thức về an toàn thông tin
Chia sẻ tại talkshow An toàn trên không gian mạng do Tỉnh đoàn tổ chức ngày 11-5, anh Ngô Minh Hiếu, chuyên gia kỹ thuật Trung tâm Giám sát và an toàn không gian mạng quốc gia cho rằng, hiện có khoảng 2/3 người dân Việt Nam bị lộ lọt thông tin. Những thông tin lộ lọt có thể được sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo, vay tiền trực tuyến gây nợ xấu làm ảnh hưởng đến nạn nhân hoặc để tống tiền, bôi nhọ danh dự… Vì vậy, mỗi người trẻ nói riêng, mọi người dân Việt Nam nói chung cần phải trang bị kiến thức về an toàn thông tin để không bị kẻ xấu lợi dụng hoặc trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công trên mạng.
Một phụ huynh ở P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) đang hướng dẫn con lựa chọn nội dung phù hợp với lứa tuổi khi xem YouTube |
Theo anh Hiếu, để đảm bảo an toàn trên không gian mạng, người dùng cần phải chú ý đến những hành vi của mình trên không gian mạng, như: hạn chế chia sẻ những thông tin, hình ảnh nhạy cảm trên MXH. Tiếp đến, không nên chia sẻ những thông tin mà bản thân cảm thấy không an toàn cho bản thân mình hay cơ quan, đơn vị của mình; không nên sử dụng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau. Bên cạnh đó thường xuyên sử dụng các chương trình diệt virus, dịch vụ email uy tín; thường xuyên cập nhật kiến thức, thậm chí tập dợt xử lý tình huống khi bị tấn công; hạn chế sử dụng các thiết bị lạ từ bên ngoài; luôn luôn cập nhật hệ thống, cập nhật phần mềm… Đặc biệt là phải sử dụng chế độ bảo mật 2 bước, sao lưu dữ liệu nhằm tránh được tình trạng mất dữ liệu do những tác động không mong muốn.
Chị VÕ TRẦN MINH ANH, sinh viên Khoa Ngoại ngữ, Trường đại học Đồng Nai đề xuất nên có nhiều hơn các buổi nói chuyện giữa chuyên gia mạng với phụ huynh, thanh thiếu niên để mọi người nắm được kỹ năng tham gia mạng an toàn.
|
Bên cạnh những người trẻ đã làm chủ các thiết bị thông minh, tài khoản MXH, trẻ em (0-16 tuổi) cũng là đối tượng tham gia trên không gian mạng, nhất là vào dịp hè. Vì vậy, TS Vũ Thiện Toàn, chuyên gia bảo vệ trẻ em, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em kết nối TP.HCM cho rằng, phụ huynh không thể cấm các em sử dụng thiết bị thông minh và MXH. Không cấm không có nghĩa là để các em thoải mái mà cần phải kiểm soát, giám sát việc sử dụng thiết bị thông minh và MXH của trẻ bằng cách dạy cho các em sử dụng khoa học, chỉ nên kết bạn với ai, biết cách nhận biết thông tin đúng sai trên mạng.
“Điều quan trọng là phụ huynh phải học cách sử dụng MXH, làm bạn được với con trên không gian mạng để nhắc nhở và định hướng cho các em” – TS Vũ Thiện Toàn nhấn mạnh.
Nga Sơn
.