Có 13/16 ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu đồng tình với việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự. Đây là con số thống kê được Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đưa ra sau khi kết thúc phiên thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự, chiều 24-5.
Đại biểu Hà Thọ Bình ủng hộ việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự. Ảnh: Phạm Thắng
Thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự là nội dung còn ý kiến khác nhau, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xây dựng 2 phương án xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và tại Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách.
Phương án 1, giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp. Theo UBTVQH, Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc; được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước không đáp ứng kịp thời, trong khi yêu cầu tài lực khi có sự cố, thảm họa xảy ra rất lớn, cấp thiết và rất khẩn trương để góp phần hạn chế ảnh hưởng của sự cố, thảm họa.
Phương án 2 quy định: “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa”.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tiến đồng tình với phương án cần thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự như phương án 1, để kịp thời có nguồn kinh phí nhằm khắc phục ngay khi thảm họa sự cố xảy ra, tránh tình trạng phải chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ trong trường hợp cấp bách như phương án 2.
Cũng nhất trí với việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự như phương án 1, đại biểu Hà Thọ Bình (đoàn Hà Tĩnh) cho biết hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia.
“Hiện nay có nhiều dạng sự cố, thảm họa hiện không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra. Thực tiễn cho thấy nếu có Quỹ phòng thủ sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra”- ông Bình nhấn mạnh.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh sự cần thiết thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự. Ảnh: Phạm Thắng
Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết trong dự thảo luật đưa ra 2 phương án về Quỹ Phòng thủ dân sự, Chính phủ chọn phương án 1.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, từ thực tiễn đại dịch COVID-19, cho thấy rất cần thiết phải có quỹ. Thời điểm dịch bùng phát, Bộ Quốc phòng được giao nhiều nhiệm vụ hỗ trợ các địa phương, trong tình huống dịch lây lan “ngoài khả năng chống chịu của các vùng đó”.
Với nhiệm vụ được giao, lực lượng quân đội đã thành lập nhiều bệnh viện dã chiến với số giường lớn trong thời gian ngắn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
“Có Bộ trưởng nói với tôi thành lập một bệnh viện dã chiến 300 giường nhưng cực kỳ khó, có những trang thiết bị phải mua hàng chục tỉ đồng mà lúc này không mua được. Lúc này, quân đội không phải mua gì mà chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, thành lập bệnh viện dã chiến lên tới 1.000 giường” – Đại tướng Phan Văn Giang cho biết.
Bên cạnh đó là công tác khử khuẩn, đưa người dân ra khỏi vùng dịch, khoanh vùng, cách ly, hay vận chuyển vắc-xin COVID-19 đến các vùng khó khăn về giao thông đều được thực hiện thông suốt nhờ có sự chuẩn bị từ trước về nguồn lực, vật lực, nhân lực.
Từ kinh nghiệm thực tiễn đó, Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng Quỹ cần có trước, chuẩn bị từ sớm, từ xa để chủ động trong mọi tình huống. Theo Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ giao Bộ Tài chính quản lý như Quỹ vắc-xin COVID-19 thời gian qua.