Năm 2024, trường Đại học Y Hà Nội dự kiến mở 4 ngành mới, tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường Đại học Y Hà Nội, ngày 9/3 cho biết thông tin trên tại chương trình tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi trẻ tổ chức tại Hải Dương.
4 ngành trường Y Hà Nội dự kiến mở mới gồm Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Công tác xã hội và Tâm lý. Ngoài ra, trường dự kiến đào tạo ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học và Kỹ thuật phục hồi chức năng tại phân hiệu Thanh Hóa. Năm trước, hai ngành này chỉ có ở trụ sở chính (Hà Nội).
Đại học Y Hà Nội giữ nguyên các phương thức tuyển sinh như năm ngoái, gồm xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Phương thức xét kết hợp áp dụng với các ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt và ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến. Với thí sinh có chứng chỉ quốc tế tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, trường sẽ áp mức điểm chuẩn của ba môn thi tốt nghiệp THPT thấp hơn so với thí sinh chỉ xét bằng điểm thi.
“Điểm mới là trường dự kiến dành 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp”, ông Tùng nói. Năm ngoái, chỉ tiêu tuyển bằng phương thức này chưa tới 20%.
Hiện cả nước có gần 70 trường đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, trong đó có khoảng 30 trường đào tạo ngành Y khoa.
Đại học Y Hà Nội luôn có điểm chuẩn cao nhất cả nước. Các ngành đào tạo hiện tại của trường gồm Y khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế công cộng.
Năm ngoái, trường Đại học Y Hà Nội lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 19 đến 27,73. Trong đó, ngành Y khoa cao nhất, thấp nhất là ngành Điều dưỡng ở phân hiệu Thanh Hóa.
Trường đã tự chủ nên học phí tăng mạnh kể từ năm học 2023-2024. Theo đề án tuyển sinh năm học trước, học phí của trường Đại học Y Hà Nội dao động 20,9-55,2 triệu đồng, trong khi trước kia chỉ 14,5 triệu đồng một năm.